Ngoài điểm số, ngày càng nhiều phụ huynh hiện chú trọng đến việc rèn luyện thể chất, ý chí, khả năng làm việc nhóm và tính kỷ luật cho con, điều mà con không thể chỉ học qua sách vở.
Vì thế, bên cạnh việc đầu tư cho con phát triển kỹ năng mềm, nhiều phụ huynh ngày càng xem hoạt động thể thao trong học đường như một người bạn đồng hành quan trọng, giúp con xây dựng nền tảng vững chắc từ sớm. Bởi đôi khi, chính những lần con vấp ngã rồi tự đứng dậy, hay ánh mắt rạng rỡ khi được gọi tên vào đội hình thi đấu… lại mang đến “bài học lớn” đầu đời mà không có giáo trình nào có thể viết sẵn.
Những thử thách nhỏ âm thầm trui rèn bản lĩnh lớn
Theo đuổi hoạt động thể thao từ nhỏ, nghe thì đơn giản, nhưng thực tế lại là một hành trình nhiều thử thách. Điều đó thể hiện rõ nét nhất trên những sân chơi thể thao học đường trải dài khắp cả nước.
Tiêu biểu trong số đó là Giải Bóng đá Nhi đồng (U11) Toàn quốc Cúp Nestlé MILO nay đã bước sang mùa giải thứ 28, cùng với Giải Bóng rổ học sinh Tiểu học Cúp Nestlé MILO được tổ chức liên tục 18 năm qua, đều là nơi hàng nghìn em nhỏ mỗi năm có cơ hội thể hiện tài năng và nuôi dưỡng đam mê thể thao. Đây không chỉ là nơi chắp cánh cho hàng nghìn em nhỏ mỗi năm được thể hiện tài năng và nuôi dưỡng tình yêu thể thao mà còn là hành trình các em từng bước khám phá, học hỏi và phát triển chính mình.
Nhắc đến kỷ niệm đáng nhớ trong nhiều năm làm công tác huấn luyện, thầy Lưu Ngọc Hùng, HLV đội U11 TP.HCM nhớ ngay đến em Bảo Phát (11 tuổi), cậu học trò luôn chủ động nhìn lại lỗi sai và cùng thầy tìm cách khắc phục, như một cách để em lớn lên từng chút qua mỗi trận đấu.
Trong một trận đấu với đội Bắc Ninh, Phát từng phạm lỗi dẫn đến một quả phạt đền cho đối phương. Biết rõ lỗi của mình, em không đổ lỗi hay né tránh mà âm thầm rút kinh nghiệm, sửa sai rồi ngay sau đó nỗ lực để ghi bàn gỡ lại. Đó là một bàn thắng không chỉ bằng kỹ thuật, mà bằng cả tinh thần trách nhiệm và khát khao vươn lên của một cầu thủ nhí.
Bảo Phát (số 8) được thầy cô nhận xét là có khả năng thích ứng tốt với môi trường tập luyện và hòa đồng với các bạn. Ảnh: NVCC
Tương tự ở môn bóng rổ, thầy Tạ Khắc Hoàn – HLV bóng rổ học sinh Hà Nội cho biết thêm: “Nhiều em nhỏ chưa đủ ‘lì’ về tinh thần. Chỉ cần đối mặt với đối thủ mạnh hơn một chút là chùn bước.
Như trường hợp của em Trà My, 12 tuổi, từng đạt giải Nhì Giải Bóng rổ Tiểu học Cúp Nestlé MILO. “Thời gian đầu từ tuyển địa phương lên tuyển Hà Nội, My là em út nên rất e dè, hay ngại ngùng,” thầy Hoàn nhớ lại lời tâm sự của cô học trò nhỏ. “Lúc đó gia đình và thầy luôn động viên em tiếp tục cố gắng, không bỏ cuộc.” Với bản lĩnh kiên trì và tố chất thể thao của mình, Trà My đã chủ động giao lưu, học hỏi từ các chị lớp lớn, tự tin thử sức với các bài tập nâng cao từ thầy để theo kịp đội tuyển.
Tinh thần đồng đội và sự phối hợp ăn ý của My đã góp phần giúp đội tuyển giành cúp Vô địch Bóng rổ 5×5 U16 Quốc gia năm 2025. Không chỉ riêng My, cả đội tuyển đều trưởng thành hơn rất nhiều kể từ cột mốc đó, các em luôn động viên nhau dù thắng hay thua. “Đây là khoảnh khắc đã củng cố niềm tin của tôi rằng thể thao có thể dạy các em rất nhiều bài học cuộc sống,” thầy Hoàn chia sẻ.
Hơn cả thành tích, tinh thần đồng đội và những bài học có được từ thể thao sẽ giúp Trà My (cầm cờ) cùng các bạn nhỏ thành công trong cuộc sống. Ảnh: NVCC
Chính những thử thách từ thể thao học đường đã trở thành “chất xúc tác” để các em không chỉ rèn luyện thể chất và ý chí, mà còn trưởng thành về nhân cách sống, từ khả năng phối hợp, làm việc nhóm, tinh thần đồng đội và đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau… Tất cả đều là những kỹ năng nền tảng cho sự thành công của các em trong tương lai.
“Giải Bóng đá U11 và U13 là nơi phát hiện ra những tài năng bóng đá”
Là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho Giải Bóng đá Nhi đồng Toàn quốc từ cách đây gần 30 năm, ông Nguyễn Phan Khuê – Tổng Biên tập Báo Thiếu Niên Tiền Phong & Nhi Đồng – cho rằng, thể thao là một trong những yếu tố mang lại sự phát triển toàn diện cho trẻ, và từ những giải đấu này đã kiến tạo ra rất nhiều “thế hệ vàng” cho thể thao Việt Nam.
“Những cầu thủ tài năng ở đội tuyển quốc gia như Văn Hậu, Quang Hải, Duy Mạnh… đều được phát hiện từ khi tham gia các giải bóng đá Thiếu niên toàn quốc và Nhi đồng toàn quốc do Báo tổ chức” ông nói.
So với vài chục năm trước, khi phần lớn sự chú ý còn dồn vào thể thao chuyên nghiệp người lớn, thì việc tổ chức các sân chơi cho thiếu nhi được xem là một cú đặt cược dài hơi. “Ngày ấy, làm bóng đá trẻ là thiệt thòi lắm. Nhưng chúng tôi tin: nếu muốn Việt Nam có đội tuyển mạnh thì phải bắt đầu từ lứa trẻ,” ông Khuê chia sẻ.
Giờ đây, sau gần ba thập kỷ, Giải Bóng đá Nhi đồng (U11) Toàn quốc Cúp Nestlé MILO mùa thứ 28, đang bước vào giai đoạn tranh tài sôi nổi. Trên sân, các “cầu thủ nhí” 10, 11 tuổi dốc toàn bộ sức lực cho từng đường bóng. Ngoài đường biên, phụ huynh xúc động khi chứng kiến con mình trưởng thành qua từng cú ngã và bản lĩnh đứng dậy.
Ông Nguyễn Phan Khuê, Tổng biên tập Báo Thiếu Niên Tiền Phong & Nhi Đồng, Trưởng Ban tổ chức Giải Bóng đá Nhi đồng (U11) Toàn quốc – Cúp Nestlé MILO 2025.
Ở tuổi lên 10, 11, không mấy em hiểu rõ hai chữ “chiến thuật”. Nhưng điều các em nhớ nhất có khi lại là những giọt nước mắt và cái ôm động viên từ thầy cô sau những lần thất bại, hay những hộp sữa được phát sau mỗi buổi đấu tiếp năng lượng. Có những cầu thủ thành danh kể lại, ký ức sâu đậm nhất hồi nhỏ của bản thân là sau trận đấu nào cũng được xếp hàng để uống sữa MILO cùng đồng đội – ký ức ấy luôn đồng hành cùng các bạn trên con đường theo đuổi đam mê quả bóng tròn đến ngày nay.
Có thể thấy, để hành trình thể thao học đường phát triển bền vững, cần sự phối hợp từ nhiều phía: nhà trường đóng vai trò nuôi dưỡng kỷ luật và kỹ năng; gia đình là điểm tựa tinh thần; huấn luyện viên đóng vai trò người đồng hành và truyền cảm hứng; và cả những doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư cho thế hệ tương lai.
Trong bức tranh ấy, những đơn vị đồng hành lâu dài như Nestlé MILO đã âm thầm góp phần tạo dựng nền tảng thể thao học đường vững vàng. Thông qua các sân chơi như Giải Bóng đá Nhi đồng Toàn quốc, Giải Bóng rổ Học sinh Tiểu học cùng các sân chơi học đường thuộc chương trình Năng Động Việt Nam, một thế hệ trẻ Việt đang dần được tiếp cận thể thao từ sớm, được rèn luyện thể chất và tinh thần trong môi trường lành mạnh, minh bạch.
Và biết đâu, trong số hàng nghìn em nhỏ đang từng bước trưởng thành qua những sân chơi học đường hôm nay, sẽ có người trở thành niềm tự hào mới của thể thao Việt Nam. Hoặc đơn giản hơn, các em sẽ mang theo những gì học được từ thể thao để vững vàng hơn trên con đường mà mình lựa chọn sau này.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.