Một đoạn video từ máy bay không người lái ghi lại tại vùng Odessa, gần làng Hvardiiske, cho thấy cảnh các tổ hợp phòng không S-300PS cuối cùng của Ukraine đã bị phá hủy.
Video khoảnh khắc Nga phá hủy các hệ thống phòng không S-300 của Ukraine ở Odessa. Nguồn. Zvezda TV.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/7 công bố video do máy bay không người lái (UAV) trinh sát ghi lại, cho thấy Ukraine bố trí các hệ thống phòng không S-300PS ở vùng Odessa. UAV Nga phát hiện đài chỉ huy, radar điều khiển hỏa lực, hai xe chở đạn kiêm bệ phóng và một máy phát điện.
Đòn tập kích chính xác của các tên lửa đạn đạo Iskander-M đã gây ra các vụ nổ và cột khói lớn bao trùm khu vực. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã phá hủy đài chỉ huy, radar hỏa lực và hai bệ phóng. Thương vong của kíp vận hành hệ thống phòng không bên phía Ukraine không được công bố.
Theo tạp chí Military Watch của Mỹ, các hệ thống phòng không S-300PS từng được xem là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến hàng đầu thế giới vào thời điểm Liên Xô tan rã vào năm 1991. Nga sau đó tiếp tục nâng cấp và cho ra mắt phiên bản S-300PMU hiện đại hơn.
UAV trinh sát Nga phát hiện trận địa phòng không của Ukraine ở Odessa. Ảnh: Military Watch.
Ukraine từng là tuyến phòng thủ thứ tư của khối Hiệp ước Warsaw trước nguy cơ xung đột với NATO nên được Liên Xô ưu tiên bố trí các khí tài phòng không, gồm nhiều biến thể S-300 và hệ thống phòng không tầm trung Buk-M1.
Trước khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, năng lực phòng không của Ukraine được đánh giá là hàng đầu ở châu Âu.
Tuy nhiên, một nhược điểm lớn của Ukraine là nước này không thể thay thế các bộ phận bị hư hỏng hoặc bổ sung đạn tên lửa phòng không. Nguyên nhân là sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine thừa hưởng một phần ngành công nghiệp chế tạo máy bay và đóng tàu, còn Nga nắm trọn ngành công nghiệp chế tạo vũ khí phòng không.
Nguy cơ cạn kiệt năng lực phòng không thực tế đã xuất hiện vào tháng 11/2022, khi không quân Ukraine thừa nhận không thể mua thêm đạn tên lửa cho các hệ thống S-300 và Buk. Tài liệu rò rỉ từ Lầu Năm Góc vào tháng 4/2023 cũng cho thấy lo ngại gia tăng về khả năng duy trì mạng lưới phòng không của Ukraine.
Một số nước thành viên NATO từng thuộc Liên Xô, sau đó cung cấp vũ khí và tên lửa phòng không cùng hệ cho Ukraine nhưng kho dự trữ là không nhiều.
Hình ảnh hiếm hoi về xe phóng tên lửa phòng không S-300V1 của Ukraine. Ảnh: Military Watch.
Việc Nga phá hủy các tổ hợp S-300PS cuối cùng của Ukraine có thể khiến Kiev đẩy nhanh quá trình tích hợp năng lực phòng không của phương Tây.
Kể từ năm 2022, Ukraine đã nhận các tổ hợp phòng không NASAMS (Na Uy), Patriot (Mỹ), Iris-T (Đức), Crotale NG (Pháp) và Aspide (Tây Ban Nha).
Ukraine cũng đang chờ nhận thêm một số lượng lớn các hệ thống phòng không Patriot theo sáng kiến cung cấp vũ khí mà Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đưa ra.
Nhưng ngay cả Patriot cũng gặp khó khăn trong việc đánh chặn các tên lửa Iskander. Tháng 5/2025, phát ngôn viên Không quân Ukraine Igor Ignat nêu thực trạng: “Tên lửa Iskander có thể thực hiện các thao tác né tránh ở giai đoạn cuối, khiến hệ thống Patriot không thể tính toán chính xác đường bay… Ngoài ra, Iskander còn thả mồi nhử để đánh lừa tên lửa đánh chặn của Patriot”.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.