Chính phủ Ukraine vừa đề xuất trao thêm tài nguyên khoáng sản và hạ tầng năng lượng cho Mỹ với điều kiện Washington đầu tư vào các dự án chiến lược, gồm khai thác khí đốt ngoài khơi và hiện đại hóa nhà máy lọc dầu lớn nhất nước này.
Giàn khoan Ukraine hiện do Nga kiểm soát, vận hành tại mỏ khí đốt Odessa ở Biển Đen. Ảnh: Bloomberg.
Bộ trưởng Kinh tế Ukraine, bà Yuliia Svyrydenko ngày 7/7 xác nhận Kiev đã đệ trình các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản để Mỹ xem xét, bao gồm một dự án khai thác khí đốt ngoài khơi và sâu dưới biển, cũng như kế hoạch hiện đại hóa nhà máy lọc dầu Kremenchuk – cơ sở lọc dầu lớn nhất Ukraine, theo tờ Kyiv Independent.
Ukraine muốn Mỹ đầu tư khai thác tài nguyên
Đây là đề xuất mới nhất của Ukraine sau thỏa thuận khoáng sản – thỏa thuận ký với Mỹ vào cuối tháng 4. Ngoài lĩnh vực khoáng sản, thỏa thuận còn mở đường cho hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, hạ tầng và quốc phòng.
Sau khi ký kết, Bộ Kinh tế Ukraine phối hợp với chính phủ Mỹ thông qua Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và các quỹ đầu tư Mỹ, gồm Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC), nhằm triển khai những dự án đầu tiên. Dự án khởi đầu là phát triển mỏ lithium tại khu vực Dobra thuộc vùng Kirovohrad.
Các dự án mới mà Ukraine đề cập gồm thăm dò khí đốt ngoài khơi, trước đây do tập đoàn quốc doanh Naftogaz đảm nhiệm. Dự án lớn khác là hiện đại hóa nhà máy lọc dầu Kremenchuk tại tỉnh Poltava, thuộc sở hữu và điều hành của công ty dầu khí quốc doanh Ukrnafta. Đây cũng là mục tiêu thường xuyên bị tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga tấn công.
Với việc Ukraine là thị trường nội địa lớn về các sản phẩm xăng dầu, bà Svyrydenko nhận định dự án lọc dầu là “chiến lược và vô cùng quan trọng”. Bộ Kinh tế Ukraine đã trình lên DFC kế hoạch đầu tư 2,7 tỷ USD cho dự án này và đang chờ phản hồi.
“Đây là một dự án quan trọng với chúng tôi, và có tiềm năng sinh lời”, bà nói.
Khả năng Mỹ bố trí phòng không ở Ukraine
Khi được hỏi liệu Mỹ tham gia dự án thì có thể triển khai hệ thống phòng không để bảo vệ cơ sở lọc dầu, tương tự như ở Syria hay không, bà Svyrydenko nói Kiev chưa đề xuất Washington bố trí các hệ thống phòng không.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh “các công ty Mỹ tham gia thực hiện dự án có thể đóng vai trò thúc đẩy tiếng nói với chính phủ Mỹ về vấn đề này”.
“Chúng tôi hiểu rằng nếu có đầu tư Mỹ ở Ukraine, thì Mỹ sẽ có thêm động lực để bảo vệ các tài sản đó”, bà Svyrydenko nói thêm.
Diễn biến mới xuất hiện sau khi tin Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo ngừng cấp vũ khí cho Ukraine, kể cả đạn tên lửa phòng không, để đánh giá lại kho dự trữ quốc gia. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/7 tuyên bố Mỹ sẽ phải gửi thêm vũ khí cho Ukraine nhưng không nêu rõ chủng loại vũ khí và thời điểm chuyển giao cho Kiev.
Phía Kiev kì vọng 3 dự án trên trong thỏa thuận khoáng sản sẽ được liên doanh Mỹ – Ukraine triển khai trong vòng 18 tháng tới. Cuộc họp chính thức đầu tiên của quỹ đầu tư dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 7 tại Kiev.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện chưa lên tiếng bình luận về đề xuất của Ukraine. Theo các chuyên gia, đề xuất mới cho thấy Ukraine không đơn thuần trao tài nguyên cho Mỹ mà kèm theo dự án nâng cấp, xây dựng hạ tầng khai thác tiêu tốn hàng tỷ USD. Thông qua thỏa thuận, Ukraine cũng muốn Mỹ triển khai hệ thống phòng không, từ đó can thiệp sâu hơn vào nỗ lực phòng thủ của quốc gia.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.