Thủ tướng Malaysia nói về tình hình mới nhất giữa Campuchia – Thái Lan, LHQ họp khẩn

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã liên lạc trực tiếp với các nhà lãnh đạo ở Thái Lan và Campuchia, kêu gọi cả hai bên hạ nhiệt xung đột.

Ông Anwar tuyên bố Campuchia và Thái Lan sẵn sàng xem xét ngừng bắn khi các cuộc đụng độ biên giới giữa hai nước leo thang mạnh vào ngày 24-7. 

Tối 24-7, ông Anwar viết trên mạng xã hội Facebook rằng ông đã liên lạc trực tiếp với các đối tác ở Thái Lan và Campuchia, kêu gọi cả hai nhà lãnh đạo hạ nhiệt xung đột.

“Tối nay, tôi đã nói chuyện với cả Thủ tướng Campuchia Hun Manet và Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai, bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của Malaysia về sự leo thang căng thẳng dọc biên giới của họ. Trong các cuộc trao đổi của chúng tôi, với tư cách Malaysia là Chủ tịch ASEAN năm 2025, tôi đã trực tiếp kêu gọi cả hai nhà lãnh đạo ngừng bắn ngay lập tức để ngăn chặn các hành động thù địch, tạo không gian cho đối thoại hòa bình và giải pháp ngoại giao. Tôi hoan nghênh những tín hiệu tích cực và thiện chí từ Bangkok và Phnom Penh trong việc xem xét hướng đi này” – ông Anwar phát biểu.

Người dân Thái Lan ở tỉnh Surin sơ tán ngày 24-7. Ảnh: AP

Người dân Thái Lan ở tỉnh Surin sơ tán ngày 24-7. Ảnh: AP

Vị thủ tướng Malaysia cũng cam kết sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình này trên tinh thần đoàn kết và trách nhiệm chung của ASEAN. Ông Anwar tin tưởng sức mạnh của ASEAN nằm ở sự đoàn kết và hòa bình.

Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại New York sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn về các cuộc đụng độ biên giới chết người giữa Campuchia và Thái Lan vào ngày 25-7.

Các nguồn tin cho biết cuộc họp theo yêu cầu của Thủ tướng Campuchia Hun Manet được tổ chức kín vào lúc 15 giờ chiều (giờ địa phương).

Trong một bức thư gửi Đại sứ Asim Iftikhar Ahmad, đại diện thường trực của Pakistan tại Liên hợp quốc (Pakistan là Chủ tịch Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ tháng 7-2025), ông Hun Manet đã trình bày chi tiết một loạt cuộc tấn công vũ trang được cho là của Thái Lan, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giải quyết.

Ông Hun Manet cũng đề cập đến những căng thẳng kéo dài dọc biên giới, viện dẫn Công ước Pháp – Xiêm năm 1904, Hiệp ước năm 1907 và Bản ghi nhớ năm 2000 (MOU – 2000) làm cơ sở pháp lý cho các điều kiện lãnh thổ của Campuchia.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.