Thế giới 24h: Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn bị đình chỉ chức vụ

Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 1/7 đã ra phán quyết tạm đình chỉ chức vụ đối với Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, trong lúc xem xét đơn kiện có thể dẫn đến việc bà bị cách chức vĩnh viễn.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra. Ảnh: Reuters.

Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết tạm thời với Thủ tướng Paetongtarn

Đơn kiện được đệ trình bởi 36 thượng nghị sĩ, cáo buộc bà Paetongtarn vi phạm đạo đức trong cuộc trao đổi riêng với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen, liên quan đến tranh chấp biên giới đang âm ỉ giữa hai nước. Trong cuộc điện đàm, bà Paetongtarn bị cho là đã sử dụng ngôn từ mang tính nhún nhường, gọi ông Hun Sen là “chú” và hứa sẽ “sắp xếp” mọi thứ theo yêu cầu của ông. Nội dung này vốn là cuộc trao đổi riêng tư nhưng sau đó bị rò rỉ trên mạng từ phía Campuchia.

Phán quyết đình chỉ được Tòa án Hiến pháp công bố với tỷ lệ 7-2, sau cuộc bỏ phiếu của hội đồng thẩm phán, theo tờ New York Times (NYT).

Một số ý kiến lo ngại quân đội Thái Lan, vốn từng nhiều lần can thiệp vào chính trường, có thể tiến hành đảo chính. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng kịch bản đó khó xảy ra. Phe quân đội lần này có thể sử dụng biện pháp pháp lý để buộc bà Paetongtarn rút lui, giống như trường hợp của cựu Thủ tướng Srettha Thavisin, người bị Tòa án Hiến pháp cách chức năm ngoái vì vi phạm đạo đức.

Kể từ khi nhậm chức năm ngoái ở tuổi 38, bà Paetongtarn bị xem là nhân vật chịu ảnh hưởng mạnh từ cha mình – ông Thaksin Shinawatra – cựu Thủ tướng và là nhân vật có ảnh hưởng lớn trong chính trường Thái Lan.

Cùng ngày 1/7, ông Thaksin, 75 tuổi, đã ra hầu tòa trong một vụ án hình sự với cáo buộc xúc phạm hoàng gia – tội danh có thể khiến ông đối mặt án tù lên tới 15 năm.

Ông Trump tuyên bố “rắn” với Iran

“Tôi sẽ không nhượng bộ Iran bất cứ điều gì, không giống như ông Obama”, ông Trump bình luận trên mạng xã hội Truth, đề cập tới cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.

“Tôi thậm chí còn không nói chuyện với họ, vì chúng tôi đã xóa sổ hoàn toàn các cơ sở hạt nhân của họ”, ông Trump viết.

Tổng thống Mỹ Trump theo dõi chiến dịch ném bom cơ sở hạt nhân của Iran tại Phòng Tình huống, Nhà Trắng hôm 21/6 (ảnh: Nhà Trắng)

Tổng thống Mỹ Trump theo dõi chiến dịch ném bom cơ sở hạt nhân của Iran tại Phòng Tình huống, Nhà Trắng hôm 21/6 (ảnh: Nhà Trắng)

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Iran, ông Majid Takht-Ravanchi, hôm 29/6, nói với báo giới phương Tây rằng tiến trình đàm phán Mỹ – Iran không thể nối lại, trừ khi Mỹ cam kết không tiếp tục tấn công Iran.

Theo ông Ravanchi, Mỹ đã phát tín hiệu muốn quay lại bàn đàm phán, một tuần sau khi tấn công 3 cơ sở hạt nhân của Iran.

“Chúng tôi chưa thống nhất thời điểm cụ thể, cũng chưa thống nhất về phương thức”, ông Ravanchi nói.

Theo ông Ravanchi, trước khi cân nhắc nối lại đàm phán, Tehran tìm kiếm câu trả lời về việc liệu các cuộc tấn công có thể lặp lại, khi Iran đang đàm phán hay không.

“Mỹ cần phải hoàn toàn rõ ràng về vấn đề rất quan trọng này”, ông Ravanchi nói.

Nga: Điều kiện mới để chấm dứt xung đột ở Ukraine

Ông Rodion Miroshnik – Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga – cho biết, Nga muốn Ukraine ngừng đưa binh sĩ sang phương Tây huấn luyện và đây là điều kiện quan trọng để chấm dứt xung đột.

“Việc các quốc gia khác tham gia hoặc đồng lõa (trong xung đột quân sự) là vấn đề quan trọng và phải chấm dứt dưới mọi hình thức, bao gồm cả cung cấp vũ khí và huấn luyện binh sĩ Ukraine”, ông Miroshnik nói hôm 30/6, trong cuộc phỏng vấn của hãng tin Izvestia (Nga).

“Tất cả những điều đó là tham gia trực tiếp vào xung đột. Nếu mong muốn chấm dứt xung đột, họ cần chấm dứt các chương trình đó”, ông Miroshnik nói thêm.

Theo Kyiv Post, đây là lần đầu tiên Nga đưa ra điều kiện như vậy để chấm dứt xung đột với Ukraine.

Theo các nguồn tin quốc tế, kể từ cuối tháng 2/2022, hơn 200.000 binh sĩ Ukraine đã được huấn luyện ở các nước phương Tây, trong đó Đức là quốc dẫn đầu. Hàng chục nghìn lính Ukraine đã được huấn luyện tại Đức.

Phe đối lập Thái Lan cảnh báo người biểu tình về chuyện đảo chính

Đảng Nhân dân (đảng đối lập lớn nhất Thái Lan) hôm 30/6 cảnh báo các thành viên “không được vượt quá ranh giới”, không được kêu gọi quân đội tiến hành đảo chính nhằm vào quyền lực của Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra.

Người biểu tình Thái Lan kêu gọi bà Paetongtarn từ chức (ảnh: Bangkok Post)

Người biểu tình Thái Lan kêu gọi bà Paetongtarn từ chức (ảnh: Bangkok Post)

Ông Sarayut Jailak – Tổng thư ký của đảng Nhân dân – đã gửi bản ghi nhớ cho các thành viên với nội dung nêu trên.

Các thành viên “không được vượt quá ranh giới”. Không được phát đi thông điệp ủng hộ sử dụng vũ lực quân sự hoặc tham gia các hành động nhằm tạo điều kiện cho một vụ đảo chính, ông Jailak cho biết.

Theo ông Jailak, các thành viên của đảng Nhân dân cần kêu gọi Thủ tướng Paetongtarn giải tán Hạ viên và trao quyền quyết định cho cử tri.

Tuyên bố từ đảng Nhân dân đối lập được đưa ra trong bối cảnh chính phủ của bà Paetongtarn chịu áp lực ngày càng lớn từ các cuộc biểu tình, sau vụ rò rỉ nội dung điện đàm với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen.

Ông Natthaphong Ruengpanyawut – lãnh đạo đảng Nhân dân – hôm 29/6 cho biết, đảng này không ủng hộ bà Paetongtarn, nhưng cũng kiên quyết phản đối khả năng quân đội tiến hành đảo chính.

“Chúng ta không được phép để ai lợi dụng khó khăn của Thủ tướng và chính phủ để kêu gọi đảo chính, hoặc sử dụng bất cứ biện pháp phi dân chủ nào để giải quyết các vấn đề chính trị”, ông Ruengpanyawut nói.

Phát biểu của ông Ruengpanyawut được đưa ra sau khi ông Sondhi Limthongkul – cựu thủ lĩnh phe “Áo Vàng” – xuất hiện trong các cuộc biểu tình và tuyên bố “không phản đối” quân đội đảo chính.

Tuy nhiên, ông Limthongkul cũng không ủng hộ sĩ quan quân đội nào lên nắm quyền ở Thái Lan.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.