Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra xuất hiện trong cuộc họp quan trọng trong bối cảnh con gái ông – Paetongtarn Shinawatra – đang bị đình chỉ chức vụ Thủ tướng, và Thái Lan gặp khó khăn khi đàm phán thuế quan với Mỹ.
Cựu Thủ tướng Thái Lan – ông Thaksin Shinawatra (ảnh: Nation Thailand)
Ông Thaksin họp với các quan chức Thái Lan
Bangkok Post đưa tin, ông Thaksin hôm 11/7 tham dự cuộc họp quan trọng với Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Thương mại và các cố vấn kinh tế hàng đầu Thái Lan để thảo luận về phản ứng trước mức thuế nhập khẩu 36% của Mỹ.
Pichai Chunhavajira – Bộ trưởng Tài chính Thái Lan – cho biết, ông là người đã mời ông Thaksin tham dự cuộc họp. Theo ông Pichai, ông Thaksin có chuyên môn và có thể đưa ra những khuyến nghị giá trị trong nỗ lực đàm phán thuế quan.
Chương trình nghị sự bao gồm việc hoàn tất các nhượng bộ bổ sung mà Thái Lan có thể đưa ra để Mỹ giảm thuế, cũng như các biện pháp bảo vệ ngành công nghiệp, nông nghiệp Thái Lan trước áp lực thuế quan.
“Thái Lan có thể đạt được thỏa thuận tốt hơn với Mỹ nếu đàm phán một cách khôn ngoan. Chúng ta cũng cần thận trọng với những yêu cầu của Mỹ”, ông Thaksin phát biểu trong cuộc họp.
Sau cuộc họp, Bộ trưởng Pichai cho biết, chính phủ Thái Lan sẽ tiếp tục đàm phán thuế quan với Mỹ và hy vọng có được mức thuế “cạnh tranh hơn”.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt được mức thuế cạnh tranh hơn trước ngày 1/8, và đang xem xét xóa bỏ thuế nhập khẩu với 90% hàng hóa Mỹ, cũng như nhiều rào cản phi thuế quan”, ông Pichai nói.
Theo Bangkok Post, sau khi trở về Thái Lan vào năm 2023, ông Thaksin vẫn là nhân vật có ảnh hưởng lớn trong chính trường Thái Lan. Ông thường xuyên chia sẻ quan điểm về chính sách kinh tế và thúc đẩy nhiều chính sách đang được chính phủ Thái Lan triển khai.
Dù con gái ông (bà Paetongtarn Shinawatra) đang bị đình chỉ chức vụ, ông Thaksin hôm 9/7 vẫn khẳng định dứt khoát: “Cha của Thủ tướng còn ở đây và sẽ tiếp tục chăm lo cho đất nước”.
Kết quả đàm phán Ngoại trưởng Mỹ – Trung tại Malaysia
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hôm 11/7 cho biết, ông đã có cuộc đàm phán “tích cực và mang tính xây dựng” với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, tổ chức tại Kuala Lumpur (thủ đô Malaysia).
Ngoại trưởng Mỹ Rubio và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp nhau ở Kuala Lumpur (ảnh: Reuters)
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Mỹ – Trung Quốc nỗ lực giải quyết căng thẳng về thương mại và thuế quan.
Theo Reuters, trong các cuộc gặp trước đó với ngoại trưởng nhiều nước châu Á, ông Vương Nghị gọi thuế quan do Mỹ áp đặt là “hành động bắt nạt đơn phương”.
Tuy nhiên, kết quả cuộc họp hôm 11/7 được cả ông Rubio và ông Vương Nghị đánh giá cao. Ngoại trưởng Mỹ cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump có khả năng gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Chúng ta là 2 quốc gia lớn mạnh, và sẽ luôn có những vấn đề bất đồng quan điểm. Tôi cho rằng các bên còn một số lĩnh vực hợp tác tiềm năng, và tôi nghĩ đây là cuộc gặp mang tính chất xây dựng, tích cực, dù cho còn nhiều việc mà chúng tôi phải làm”, ông Rubio trả lời báo giới.
Khi được hỏi về khả năng ông Trump – ông Tập gặp nhau, Ngoại trưởng Mỹ cho biết, cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn điều đó xảy ra.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 11/7 cho biết, ông Vương Nghị đánh giá cuộc họp với ông Rubio diễn ra “tích cực, thực chất và mang tính xây dựng”.
PKK giải trừ vũ khí, đốt súng ở Iraq
Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bắt đầu những bước đi đầu tiên nhằm giải trừ vũ khí, hướng tới chấm dứt cuộc xung đột vũ trang kéo dài từ năm 1984 với Thổ Nhĩ Kỳ và từng khiến hơn 40.000 người thiệt mạng.
Các chiến binh PKK đốt súng (ảnh: ALJ)
Hôm 11/7, nhiều thành viên của PKK tham gia buổi lễ giải trừ vũ khí ở Sulaimaniyah, miền bắc Iraq. Các chiến binh PKK tự nguyện đốt súng, thay vì giao nộp cho bất kỳ cơ quan, chính phủ nào.
Hình ảnh từ buổi lễ cho thấy hàng chục khẩu súng bốc cháy trong một chiếc thùng lớn.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hoan nghênh động thái của PKK và tuyên bố: “Đây là hành động nhằm hoàn toàn xé toạc và vứt bỏ những xiềng xích đẫm máu trói buộc đất nước của chúng ta”.
Năm 1984, PKK (do ông Abdullah Ocalan thành lập) tiến hành nổi dậy vũ trang, chống lại chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và tuyên bố thành lập nhà nước tự trị ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có đông người Kurd sinh sống.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố PKK là tổ chức khủng bố.
Tháng 2/2025, ông Abdullah Ocalan kêu gọi các thành viên PKK từ bỏ vũ khí và giải thể, nhằm mang lại hòa bình cho người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ.
3 tháng sau, PKK tuyên bố sẽ từ bỏ đấu tranh vũ trang. Đây được xem là chiến thắng lớn của chính quyền ông Erdogan.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.