Thế giới 24h: Một nước EU bất ngờ phản đối trừng phạt Nga

Malta – quốc gia hiếm khi lên tiếng về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine – bất ngờ phản đối đề xuất hạ giá trần dầu Nga.

Malta lo ngại EU hạ giá trần dầu Nga có thể ảnh hưởng đến các đội tàu (ảnh: CNN)

Malta lo ngại EU hạ giá trần dầu Nga có thể ảnh hưởng đến các đội tàu (ảnh: CNN)

Malta phản đối, vòng trừng phạt thứ 18 của EU khó thông qua

RT hôm 14/7 đưa tin, trong cuộc họp của Ủy ban Đại diện Thường trực EU (diễn ra vào ngày 13/7) Malta đã phản đối đề xuất hạ mức trần giá dầu Nga. Đây được cho là một trong các biện pháp quan trọng nhất trong vòng trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga mà EU mong muốn thông qua.

Theo RT, năm 2022, phương Tây ấn định mức giá trần đối với dầu Nga là 60 USD/thùng. Tuy nhiên, trong vòng trừng phạt mới, EU mong muốn áp mức giá trần linh hoạt hơn. Theo đó, mức giá trần dầu Nga (ở thời điểm mua) sẽ thấp hơn 15% so với giá dầu trung bình toàn cầu trong vòng 3 tháng trước đó.

Các nước thành viên EU và đội tàu của họ không được vận chuyển dầu của Nga, nếu Nga bán dầu cao hơn mức giá trần được ấn định.

Những lo ngại của Malta (đảo quốc ở Địa Trung Hải) chưa được nêu chi tiết. Tuy nhiên, Malta có đội tàu chở dầu lớn và kinh tế phụ thuộc vào ngành vận tải dầu khí.

Theo Ukrainska Pravda, ngoài Malta, 2 nước có đội tàu chở dầu lớn khác là Hy Lạp và Cộng hòa Síp cũng phản đối đề xuất hạ giá trần dầu Nga.

Trong cuộc họp hôm 13/7, Slovakia không phản đối hạ giá trần dầu Nga, nhưng phản đối đề xuất dừng hoàn toàn nhập khẩu khí đốt từ Nga vào năm 2028.

Hungary: Không có chuyện tài trợ để mua vũ khí Mỹ cho Ukraine

Hungary sẽ không tài trợ để mua vũ khí Mỹ cho Ukraine nếu Washington đưa ra đề xuất đó với Liên minh châu Âu (EU), Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết.

Ngoại trưởng Hungary – ông Peter Szijjarto (Reuters)

Ngoại trưởng Hungary – ông Peter Szijjarto (Reuters)

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng tiền của Hungary, vũ khí Hungary và quân đội Hungary sẽ không được gửi tới Ukraine. Sẽ không có bất kỳ thứ gì được gửi đến đó”, ông Szijjarto phát biểu trong cuộc họp báo hôm 14/7 với Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Maroc – Ryad Mezzour.

Ông Szijjarto cũng bày tỏ tin tưởng rằng, Mỹ phát tín hiệu nối lại cung cấp vũ khí cho Ukraine không đồng nghĩa với việc ông Trump từ bỏ nỗ lực giải quyết xung đột.

“Tôi có thể nói rằng không ai làm được nhiều điều cho hòa bình ở Ukraine như ông Trump. Và nếu các nhà lãnh đạo ở châu Âu và Ukraine không cản trở ông Trump trong vài tháng gần đây, thì những nỗ lực hòa bình đã thành công hơn nhiều”, ông Szijjarto nói.

Ngoại trưởng Hungary cho biết, ông hy vọng ông Trump sẽ tiếp tục có những bước đi hướng tới chấm dứt xung đột ở Ukraine. 

Trung Quốc chuẩn bị lần đầu tập trận với Serbia

Lực lượng đặc nhiệm quân đội Trung Quốc và Serbia sẽ tham gia cuộc tập trận chung Peace Defenders-2025 (Người bảo vệ hòa bình 2025) tại tỉnh Hà Bắc (miền bắc Trung Quốc). Đây là cuộc tập trận đầu tiên giữa Trung Quốc với Serbia – quốc gia ở đông nam châu Âu.

Cuộc tập trận sẽ diễn ra vào cuối tháng 7, đại tá Jiang Bin – phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc – cho biết.

“Đây sẽ là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa quân đội Trung Quốc và Serbia. Cuộc tập trận nhằm tăng cường năng lực tác chiến của các binh sĩ và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước”, ông Jiang Bin nói.

Theo SCMP, Trung Quốc – Serbia đã mở rộng quan hệ chính trị, kinh tế và quốc phòng trong những năm gần đây.

Năm 2024, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Serbia, sau EU.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.