Thế giới 24h: Campuchia lên tiếng thông tin đạn pháo giao tranh rơi trên đất Lào

Bộ Quốc phòng Campuchia bác bỏ thông tin từ phía quân đội Thái Lan rằng 10 quả đạn pháo rơi vào lãnh thổ Lào có thể xuất phát từ Campuchia trong bối cảnh căng thẳng leo thang dọc biên giới.

Pháo phản lực BM-21 của Campuchia xuất hiện ở tỉnh Oddar Meanchey, giáp biên giới Thái Lan (ảnh: AFP)

Pháo phản lực BM-21 của Campuchia xuất hiện ở tỉnh Oddar Meanchey, giáp biên giới Thái Lan (ảnh: AFP)

Campuchia bác bỏ thông tin từ Thái Lan về đạn pháo rơi vào Lào

Phát biểu trong cuộc họp báo chiều ngày 26/7, trung tướng Maly Socheata – phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia – bác bỏ cáo buộc từ phía Thái Lan, và khẳng định rằng quân đội Campuchia không bắn pháo vào lãnh thổ Lào.

“Bộ Quốc phòng Campuchia kiên quyết bác bỏ và lên án cáo buộc cố ý, khiêu khích từ phía Thái Lan”, bà Socheata nói.

“Những cáo buộc này là không thể chấp nhận được và hoàn toàn vô căn cứ”, bà Socheata nói thêm.

Theo bà Socheata, cáo buộc từ phía Thái Lan được đưa ra trong khi “phía Lào chưa tiến hành bất kỳ cuộc điều tra nào hay đưa ra bất kỳ khiếu nại chính thức nào liên quan đến vụ việc”.

Trước đó, sáng ngày 25/7, Phòng Tác chiến Đặc biệt tỉnh Champasak (Lào) thông báo, 10 quả đạn pháo trong các cuộc giao tranh giữa Campuchia – Thái Lan đã rơi xuống lãnh thổ nước này trong hai ngày 24 và 25/7.

Người phát ngôn quân đội Thái Lan – ông Winthai Suvaree – cho biết, những quả đạn pháo này không phải do Thái Lan bắn. Theo ông Winthai, xét về về khoảng cách và hướng di chuyển, đạn pháo rơi xuống lãnh thổ Lào có thể do phía Campuchia bắn nhằm gây hoang mang cho giới chức Lào. Ông Winthai bày tỏ không đồng tình về hành động này và kêu gọi Campuchia chấm dứt ngay lập tức.

Chiều ngày 26/7, Bộ Ngoại giao Lào bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình giao tranh giữa Campuchia và Thái Lan.

Là quốc gia láng giềng, Lào kêu gọi 2 bên nỗ lực giảm giảm căng thẳng và giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp ngoại giao.

Thái Lan cảnh báo Campuchia có thể bắn pháo phóng loạt tầm xa

Theo tờ The Nation Thailand, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 nước này vừa ra cảnh báo công khai về nguy cơ Campuchia có thể sử dụng hệ thống pháo phản lực phóng loạt tầm xa, với tầm bắn lên tới 130 km, nhằm vào các khu vực quân sự chiến lược và cơ sở trọng yếu của Thái Lan.

Thái Lan cảnh báo loại vũ khí mà Campuchia có thể sử dụng để tấn công. Ảnh: The Nation Thailand

Thái Lan cảnh báo loại vũ khí mà Campuchia có thể sử dụng để tấn công. Ảnh: The Nation Thailand

Theo thông báo chính thức đăng tải trên trang mạng xã hội của Bộ Tư lệnh Quân khu 2, loại pháo của Campuchia được đề cập là pháo phản lực hạng nặng có khả năng phóng loạt đạn cùng lúc, tập kích từ xa vào các mục tiêu chiến lược với hỏa lực dày đặc và sức công phá lớn.

Phía quân đội Thái Lan cho biết đã kích hoạt các biện pháp phòng thủ theo Kế hoạch phòng thủ hậu phương, đồng thời tuyên bố đủ năng lực để phát hiện và vô hiệu hóa các mối đe dọa, bao gồm cả đạn pháo từ hệ thống pháo phản lực nói trên.

Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, quân đội Thái Lan kêu gọi công chúng đề cao cảnh giác, không hoảng loạn, và theo dõi thông tin qua các kênh chính thức của chính phủ nước này.

Quân đội Campuchia chưa lên tiếng về cảnh báo của quân đội Thái Lan.

Ở một diễn biến khác, theo tờ The Nation Thailand, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Thái Lan và Campuchia, Trung Quốc ngày 25/7 đã chính thức bác bỏ cáo buộc cho rằng Bắc Kinh đã cung cấp vũ khí hoặc hỗ trợ quân sự mới cho quân đội Campuchia.

“Kể từ khi căng thẳng bùng phát tại khu vực biên giới Thái – Campuchia, Trung Quốc không cung cấp bất kỳ khí tài quân sự nào cho Campuchia để sử dụng nhằm vào Thái Lan. Tất cả vũ khí mà Campuchia hiện có đều là kết quả của các dự án hợp tác trước đây”, một quan chức cấp cao của Trung Quốc lên tiếng trong cuộc gặp với quan chức Thái Lan.

Thái Lan và Campuchia tố nhau mở rộng khu vực giao tranh

Hải quân Thái Lan tham gia một chiến dịch sáng 26/7. Ảnh: Royal Thai Navy

Hải quân Thái Lan tham gia một chiến dịch sáng 26/7. Ảnh: Royal Thai Navy

Theo tờ The Nation của Thái Lan, quân đội Campuchia mở rộng phạm vi tấn công đến khu vực Ban Chamrak, tỉnh Trat (Thái Lan) vào lúc 5h10 sáng 26/7. Đáp lại, Bộ Tư lệnh Phòng thủ Biên giới Chanthaburi-Trat đã phát động một cuộc phản công.

Hải quân Hoàng gia Thái Lan sau đó đã phát động chiến dịch “Cuộc tấn công của Trat 1” để đẩy lùi lực lượng Campuchia tại ba điểm dọc biên giới Thái Lan. Đến 5h40 sáng, hải quân Thái Lan tuyên bố đã “thành công trong việc đẩy lùi lực lượng Campuchia”. Quân đội Campuchia chưa phản hồi về thông tin trên báo Thái Lan.

Theo tờ Khmer Times của Campuchia, trong một tuyên bố đưa ra sáng 26/7, Bộ Quốc phòng Campuchia xác nhận rằng đúng 5h02 phút sáng, năm quả đạn pháo hạng nặng đã được bắn từ lãnh thổ Thái Lan vào nhiều địa điểm tại làng Ekphap, xã Thmar Da, huyện Veal Veng, tỉnh Pursat – giáp với tỉnh Trat của Thái Lan.

Chính quyền địa phương ở huyện Veal Veng cho biết, một số ngôi nhà đã bị hư hại, và ít nhất ba người bị thương do các vụ pháo kích. Các quan chức tỉnh Pursat đang làm việc với Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) để đánh giá toàn bộ thiệt hại và cung cấp hỗ trợ nhân đạo ngay lập tức cho các gia đình bị ảnh hưởng.

Tờ Khmer Times ngày 26/7 đưa tin, Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết, 13 người đã thiệt mạng kể từ đầu giao tranh đến nay.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Phnom Penh ngày 26/7, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Campuchia, Maly Socheata, cho biết thêm, hơn 70 người bị thương ở nhiều mức độ khác nhau kể từ khi giao tranh xảy ra.

Để ứng phó với tình hình leo thang, chính quyền Campuchia đã sơ tán hơn 35 nghìn người khỏi các khu vực có nguy cơ cao trên khắp các tỉnh Preah Vihear, Oddar Meanchey và Pursat.

Thái Lan chưa bình luận về tuyên bố của Bộ Quốc phòng Campuchia.

Diễn biến mới đụng độ ở biên giới Thái Lan – Campuchia

Một đơn vị pháo Thái Lan khai hỏa về phía Campuchia (ảnh: Reuters)

Một đơn vị pháo Thái Lan khai hỏa về phía Campuchia (ảnh: Reuters)

Khmer Times hôm 25/7 đưa tin, quân đội Thái Lan mở cuộc tấn công mạnh vào khoảng 18h tối, sử dụng cả bộ binh và pháo binh, nhắm khu vực gần 2 ngôi đền Ta Moan Thom và Ta Krabei ở biên giới.

Dẫn nguồn tin quân sự, Khmer Times cho biết quân đội Campuchia đã phản ứng nhanh chóng, quyết liệt, đẩy lùi các đợt tấn công của lực lượng Thái Lan và đáp trả bằng hỏa lực.

Các vụ pháo kích giữa 2 bên cũng được báo cáo dọc khu vực biên giới tỉnh Preah Vihear (Campuchia). Quân đội Thái Lan – Campuchia đấu pháo đến đêm khuya, theo Khmer Times.

Trước đó, trong cuộc họp báo chiều ngày 25/7, bà Maly Socheata – phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia – cho biết, quân đội Thái Lan đã điều chiến đấu cơ F-16 tập kích lãnh thổ Campuchia 4 lần vào khoảng 12h30 cùng ngày.

4 đợt ném bom nhằm vào các khu vực: Đền Preah Vihear, đền Wat Keo Sikha Kiriswar (3 lần) và đền Ta Krabei (1 lần).

Bà Socheata cũng chỉ trích quân đội Thái Lan vì sử dụng số lượng lớn bom chùm, gây nguy hiểm lâu dài cho dân thường.

Trong cuộc họp báo vào tối ngày 25/7, ông Winthai Suwaree – phát ngôn viên quân đội Hoàng gia Thái Lan – xác nhận, quân đội Thái Lan có sử dụng bom chùm, nhưng chỉ nhắm vào mục tiêu quân sự.

Ông Winthai lưu ý, Thái Lan không phải là bên ký kết Công ước về bom, đạn chùm (CCM), nên không chịu ràng buộc.

Theo ông Winthai, khi đầu đạn đánh trúng mục tiêu, các quả đạn con bên trong sẽ phát nổ tuần tự. Đây không phải là mìn sát thương chống bộ binh, nên không gây nguy hiểm lâu dài đối với dân thường.

Bệ phóng tên lửa đa nòng BM-21 Grad được quân đội Campuchia triển khai (ảnh: Reuters)

Bệ phóng tên lửa đa nòng BM-21 Grad được quân đội Campuchia triển khai (ảnh: Reuters)

Hôm 25/7, Bộ Chỉ huy Phòng vệ Biên giới tỉnh Chanthaburi và tỉnh Trat (Thái Lan) đã ban hành lệnh thiết quân luật ở 8 huyện.

Thông báo từ Bộ Chỉ huy Phòng vệ Biên giới Chanthaburi-Trat cho biết, việc thiết quân luật và triển khai lực lượng quân sự là cần thiết để bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa từ bên ngoài.

Lệnh thiết quân luật được áp dụng tại các khu vực sau:

– Tỉnh Chanthaburi: Các huyện Mueang Chanthaburi, Tha Mai, Makham, Laem Sing, Kaeng Hang Maew, Na Yai Am và Khao Khitchakut

– Tỉnh Trat: Huyện Khao Saming

Lệnh này có hiệu lực ngay lập tức, theo Nation Thailand.

Patriot: Ukraine muốn 10, chỉ được tài trợ 3

Tổng thống Ukraine Zelensky hôm 25/7 cho biết, Kiev đang nỗ lực để tìm kiếm nguồn tài trợ mua 10 hệ thống tên lửa phòng không Patriot, sau khi Washington “bật đèn xanh” để châu Âu mua vũ khí Mỹ rồi chuyển cho Ukraine.

Ông Zelensky mong muốn Ukraine nhận được 10 hệ thống Patriot (ảnh: Reuters)

Ông Zelensky mong muốn Ukraine nhận được 10 hệ thống Patriot (ảnh: Reuters)

“Tổng thống Mỹ sẽ chuyển giao và bán những hệ thống này cho chúng tôi. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm nguồn tài trợ cho 10 hệ thống”, ông Zelensky nói.

Theo ông Zelensky, Đức và Na Uy đã cam kết tài chính để Ukraine có được 3 hệ thống Patriot, nhưng Kiev muốn có thêm 7 hệ thống nữa.

“Chúng tôi đã đề nghị được chuyển giao 10 hệ thống Patriot. Đức xác nhận sẽ cung cấp 2 hệ thống, và Na Uy sẽ cung cấp một hệ thống. Chúng tôi hiện đang làm việc với đối tác Hà Lan”, ông Zelensky nói.

Ngoài tìm kiếm nguồn tài trợ cho các hệ thống Patriot, Ukraine cũng cần bù đắp khoản thâm hụt ngân sách 40 tỷ USD vào năm tới, và 25 tỷ USD để sản xuất tên lửa, UAV, hệ thống tác chiến điện tử, ông Zelensky cho biết.

Điện Kremlin nói về đề xuất ông Putin gặp ông Zelensky trong tháng 8

Trong cuộc họp báo hôm 25/7, người phát ngôn Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov bác bỏ khả năng Tổng thống Nga Putin gặp Tổng thống Ukraine Zelensky trong tháng 8, theo đề xuất từ phái đoàn Kiev.

“Một cuộc gặp thượng đỉnh có thể và sẽ chốt lại hẳn tiến trình đàm phán, thống nhất các điều khoản và thỏa thuận để các chuyên gia tiếp tục triển khai. Không thể làm khác được”, ông Peskov nói.

“Nhưng liệu có thể hoàn thành một quá trình phức tạp như vậy trong vòng 30 ngày hay không? Rõ ràng là khó có thể xảy ra”, ông Peskov nói thêm.

Trước đó, tại vòng đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 23/7, phái đoàn Ukraine đã đề xuất tổ chức cuộc gặp trực tiếp trong tháng 8 giữa ông Zelensky và ông Putin, với sự tham gia của Tổng thống Mỹ Trump.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.