Thái Lan, Campuchia lên tiếng tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc

Trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đại diện Thái Lan, Campuchia nêu quan điểm trái chiều về căng thẳng biên giới giữa hai nước.

Ngày 25-7, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã có buổi họp kín về căng thẳng biên giới Campuchia-Thái Lan. Tại cuộc họp, đại diện hai nước đã nêu quan điểm từng nước về sự việc này.

Campuchia nói gì?

Về phía Campuchia, Đại sứ Chhea Keo – Đại diện thường trực của Campuchia tại Liên Hợp Quốc – nói rằng xung đột biên giới hiện nay giữa Campuchia và Thái Lan không phải là một tai nạn mà là hệ quả của kế hoạch quân sự có chủ đích của Thái Lan, theo tờ Khmer Times.

Campuchia cho rằng Thái Lan tấn công vào các ngôi làng và đền chùa ở Campuchia. Ảnh: KHMER TIMES

Campuchia cho rằng Thái Lan tấn công vào các ngôi làng và đền chùa ở Campuchia. Ảnh: KHMER TIMES

Đại sứ Chhea Keo đã trình bày chi tiết về các sự kiện và hành động của lực lượng Thái Lan, bao gồm những gì Phnom Penh cáo buộc là hành vi tiến hành chiến lược chiến tranh toàn diện được gọi là kế hoạch “Chakraphong Phuwanat”. Đây là kế hoạch từng được Thái Lan sử dụng trong các cuộc đụng độ năm 2008–2011 tại biên giới hai nước. Theo ông, động thái này thể hiện ý định của Thái Lan trong việc chuẩn bị cho chiến tranh.

Cạnh đó, ông Chhea Keo cho rằng việc Thái Lan triển khai máy bay chiến đấu F-16, xe tăng, bom chùm và pháo hạng nặng là biểu hiện của hành vi gây hấn.

Ngoài ra theo ông Chhea Kéo, Thái Lan đã mở rộng khả năng sẵn sàng chiến đấu khi ban bố tình trạng khẩn cấp tại các tỉnh Chanthabori và Trat, trong khi Campuchia không triển khai quân sự hay di chuyển quân sự nào ở các khu vực giáp ranh bên phía Campuchia.

Đại sứ Chhea Keo nhấn mạnh rằng Campuchia không khởi xướng bất kỳ hành động thù địch nào, không triển khai quân sự gần biên giới trước cuộc tấn công của Thái Lan và luôn theo đuổi các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp biên giới.

Theo ông, những diễn biến hiện nay không phải là ngẫu nhiên mà là hệ quả của kế hoạch được lên từ cấp cao nhất của quân đội Thái Lan phối hợp với các cơ quan chính phủ khác. Ông Chhea Keo nói thêm rằng Campuchia đã chính thức viện dẫn Điều 35 của Hiến chương Liên Hợp Quốc để kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và sự can thiệp của Hội đồng Bảo an.

Đại diện Campuchia cũng đã bày tỏ sự nghi ngờ ý định hòa bình của Thái Lan sau khi Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim – đại diện nước chủ tịch ASEAN năm nay – thông báo rằng cả Campuchia và Thái Lan đã đồng ý ngừng bắn, có hiệu lực từ nửa đêm 24-7 nhưng Thái Lan đã phá vỡ thỏa thuận này.

Theo báo cáo sơ bộ, các cuộc tấn công của Thái Lan đã khiến ít nhất 13 người thiệt mạng, 70 người khác bị thương và hơn 37.000 người Campuchia ở các tỉnh biên giới phải sơ tán.

Thái Lan nói gì?

Về phần mình, Đại sứ Thái Lan tại Liên Hợp Quốc Cherdchai Chaivaivid đã lên án điều mà ông gọi là “hành động xâm lược vô cớ” của Campuchia cũng như hành vi nhắm vào dân thường, cơ sở hạ tầng dân sự mà Campuchia gây ra, theo tờ The Nation.

Đại sứ Cherdchai kể lại một loạt các sự cố, bắt đầu từ cuộc giao tranh nhỏ ở biên giới vào ngày 28-5, khi quân đội Thái Lan đang tiến hành tuần tra thì đã bị lực lượng Campuchia nổ súng vô cớ, đòi hỏi phải có hành động tự vệ tương xứng.

Cửa hàng tiện lợi ở tỉnh Si Sa Ket (Thái Lan) bị trúng đạn pháo mà Thái Lan cho do Campuchia thực hiện hôm 24-7. Ảnh: CẢNH SÁT KANTHARALAK

Cửa hàng tiện lợi ở tỉnh Si Sa Ket (Thái Lan) bị trúng đạn pháo mà Thái Lan cho do Campuchia thực hiện hôm 24-7. Ảnh: CẢNH SÁT KANTHARALAK

Theo ông Chaivaivid, ngày 24-7, quân đội Campuchia đã nổ súng trước bằng pháo hạng nặng vào một tiền đồn quân sự của Thái Lan ở Ta Muen Thom (tỉnh Surin). Ngay sau đó, “các cuộc tấn công bừa bãi” đã diễn ra trên khắp 4 tỉnh của Thái Lan: Buriram, Surin, Si Sa Ket và Ubon Ratchathani.

Ông Chaivaivid khẳng định Thái Lan thực hiện quyền tự vệ theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp quốc, đồng thời nhắc lại rằng phản ứng của nước này “có phạm vi hạn chế, tương xứng và chỉ nhằm mục đích vô hiệu hóa mối nguy hiểm sắp xảy ra” từ lực lượng Campuchia, cũng như nỗ lực hết sức để tránh gây hại cho dân thường.

Đại sứ Chaivaivid kết luận bằng cách tái khẳng định cam kết của Thái Lan trong việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và kêu gọi Campuchia ngay lập tức chấm dứt các hành vi thù địch và nối lại đối thoại một cách thiện chí.

Tính đến ngày 25-7, Thái Lan xác nhận 15 người đã thiệt mạng, 46 người bị thương và hơn 130.000 phải sơ tán do các cuộc đụng độ.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.