Ba Lan, Slovakia, Hungary, Bulgaria và Romania tin rằng thỏa thuận thương mại mới có thể gây bất ổn cho thị trường nông nghiệp EU do dòng sản phẩm nông nghiệp giá rẻ từ Ukraine tràn vào.
Một thỏa thuận mới giữa Ukraine và EU đang được soạn thảo dựa trên Khu vực Thương mại Tự do Toàn diện và Sâu rộng (DCFTA) đã vấp phải sự phản đối của 5 quốc gia thành viên là Ba Lan, Slovakia, Hungary, Bulgaria và Romania.
Tại cuộc họp của Hội đồng Nông nghiệp EU hôm 14/7, 5 quốc gia này đã bày tỏ sự “không hài lòng” với thỏa thuận mới mà Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất để thay thế cho chế độ thương mại phi thuế quan với quốc gia Đông Âu vốn đã hết hạn vào đầu tháng 6.
Theo một số nhà ngoại giao EU tham dự cuộc họp được Ukrainska Pravda trích dẫn, Ba Lan, Slovakia, Hungary, Bulgaria và Romania tin rằng thỏa thuận thương mại mới có thể gây bất ổn cho thị trường nông nghiệp EU do dòng sản phẩm giá rẻ từ Ukraine tràn vào.
Ông Christophe Hansen, Ủy viên EU về Nông nghiệp và Thực phẩm, cũng xác nhận rằng thương mại với Ukraine đã được thảo luận tại một cuộc họp của Hội đồng EU vào ngày 14/7 tại Brussels.
“Theo yêu cầu của một nhóm gồm nhiều quốc gia, chúng tôi cũng đã thảo luận về thỏa thuận sửa đổi với Ukraine”, ông Hansen cho biết sau cuộc họp.
Xe tải xếp hàng dài tại biên giới Ba Lan-Ukraine ở Hrebenne, đông nam Ba Lan, ngày 27/11/2023. Ảnh: Euractiv
Thỏa thuận thương mại mới sẽ thay thế các biện pháp thương mại tự do tạm thời (ATMs) – cơ chế mà qua đó các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Ukraine được miễn thuế vào EU kể từ khi xung đột với Nga bùng phát vào tháng 2/2022.
Nhờ ATMs, các nhà xuất khẩu Ukraine có thể tiếp cận một cách ưu đãi vào thị trường EU, dẫn đến sự gia tăng đáng kể các sản phẩm nông nghiệp Ukraine tại khối này, gây áp lực lên nông dân EU và thúc đẩy họ xuống đường biểu tình phản đối trong suốt một thời gian dài.
Khi các biện pháp tạm thời hết hạn vào ngày 5/6, các điều kiện thương mại thời kỳ trước khi xung đột nổ ra đã được khôi phục trong một thời gian ngắn.
Ông Hansen nhắc lại rằng Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu (DCFTA) năm 2016 dự kiến được sửa đổi vào năm 2021, nhưng việc này đã trở nên bất khả thi do cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn.
“Hôm nay, nhiều quan điểm khác nhau về thỏa thuận này đã được bày tỏ, và tôi tin rằng việc thảo luận thẳng thắn theo hình thức này là điều tốt. Tôi đã trình bày các dữ kiện về thỏa thuận này và khẳng định rằng nó vì lợi ích tốt nhất của nông dân chúng ta”, vị quan chức EU nói.
Tuy nhiên, theo Ukrainska Pravda, 5 quốc gia kể trên vẫn tiếp tục yêu cầu sửa đổi các dự thảo sửa đổi đối với DCFTA đã được Ukraine nhất trí sau các vòng đàm phán với Ủy ban châu Âu kết thúc vào cuối tháng trước.
Thỏa thuận thương mại mới được cấu trúc thành 3 nhóm. Nhóm đầu tiên áp dụng mức tăng hạn ngạch khiêm tốn đối với các sản phẩm được các thành viên EU coi là “nhạy cảm”, bao gồm trứng, gia cầm, đường, lúa mì, ngô và mật ong.
Nhóm sản phẩm thứ hai sẽ được điều chỉnh hạn ngạch để phản ánh mức nhập khẩu cao nhất đạt được kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột. Các sản phẩm này bao gồm bơ, sữa bột tách béo, yến mạch, lúa mạch, mạch nha và gluten.
Nhóm thứ ba bao gồm các sản phẩm của Ukraine được mở cửa hoàn toàn với EU. Các sản phẩm này bao gồm các mặt hàng như sữa bột nguyên kem, sữa lên men, nấm và nước ép nho.
“Trong chiến dịch tranh cử, tôi đã không đồng ý, và với tư cách là Tổng thống, tôi sẽ không đồng ý, việc cạnh tranh không lành mạnh với Ukraine đối với ngành nông nghiệp Ba Lan hoặc ngành hậu cần”, Tổng thống đắc cử Ba Lan Karol Nawrocki phát biểu với giới truyền thông vào ngày 7/6.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.