Phản ứng của EU, G7 khi ông Zelensky đảo ngược quyết định gây tranh cãi

Sau làn sóng chỉ trích và biểu tình trong nước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thông báo bước đi nhằm khôi phục niềm tin vào các cơ quan chống tham nhũng. Động thái này lập tức nhận được phản hồi tích cực từ Liên minh châu Âu (EU) và nhóm G7.

EU đặc biệt quan ngại với các diễn biến gần đây ở Ukraine. Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images.

EU đặc biệt quan ngại với các diễn biến gần đây ở Ukraine. Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images.

Phát ngôn viên Ủy ban châu Âu Guillaume Mercier ngày 24/7 nói EU “hoan nghênh hành động của chính phủ Ukraine” nhằm giải quyết các quan ngại xung quanh dự luật gây tranh cãi liên quan đến Cục Chống tham nhũng quốc gia (NABU) và Viện Công tố chống tham nhũng chuyên trách (SAPO). 

“Chúng tôi đã nêu rõ những lo ngại của mình và nhận thấy chính phủ Ukraine đã có động thái đúng đắn. Chúng tôi đánh giá cao điều đó”, ông Mercier nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết EU đang làm việc chặt chẽ với Kiev để đảm bảo các quan ngại, đặc biệt liên quan tới cuộc chiến chống tham nhũng được xử lý đúng cách. Vấn đề tham nhũng là một trong những trở ngại trong tiến trình kết nạp Ukraine vào EU.

Đại diện EU tại Ukraine, bà Katarina Mathernova nói các đại sứ G7 cũng hoan nghênh lời hứa của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc khôi phục tính độc lập của các cơ quan chống tham nhũng. G7 cũng sẵn sàng hỗ trợ Ukraine trong quá trình này.

“Chúng tôi hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Zelensky về việc tái cấu trúc các cơ quan chống tham nhũng và đã đề nghị hỗ trợ tham vấn và chuyên môn”, bà Katarina nói sau cuộc họp với Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha.

Biểu tình ở Ukraine đã diễn ra trong 3 ngày liên tiếp. Ảnh: Ukrainska Pravda.

Biểu tình ở Ukraine đã diễn ra trong 3 ngày liên tiếp. Ảnh: Ukrainska Pravda.

Trước đó, hôm 24/7, ông Zelensky cho biết đã đệ trình dự luật mới số 13533 lên Quốc hội Ukraine. Dự luật được cho là sẽ đảm bảo “đầy đủ các bảo chứng cho sự độc lập của các cơ quan chống tham nhũng”, đồng thời bổ sung nhiều biện pháp nhằm tránh can thiệp từ bên ngoài, đặc biệt là từ Nga.

“Toàn bộ văn bản đã được chia sẻ với các đối tác, giới chức thực thi pháp luật và đại diện NABU, SAPO”, ông Zelensky nói. Ông cho biết đã yêu cầu chính phủ trình dự luật tới tất cả các đối tác quốc tế và mời chuyên gia từ Anh, Đức và các nước EU tham gia đóng góp ý kiến.

Dự luật còn yêu cầu tất cả cá nhân có quyền tiếp cận bí mật quốc gia, đặc biệt là trong nội bộ NABU và SAPO, phải trải qua kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối định kỳ.

Làn sóng biểu tình ở Ukraine đã diễn ra trong 3 ngày liên tiếp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Người biểu tình lo ngại rằng nỗ lực chống tham nhũng của Ukraine bị suy yếu, ảnh hưởng đến tiến trình gia nhập EU.

Trong thông điệp tối 24/7, ông Zelensky bày tỏ sự cảm kích trước phản ứng ôn hòa nhưng mạnh mẽ của người dân. “Điều quan trọng là người Ukraine đã phản ứng với tất cả sự kiện một cách đầy phẩm giá. Ukraine là quốc gia của những con người biết quan tâm”, ông Zelensky nói.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.