Ông Zelensky lên tiếng về quyết định “siết quyền” cơ quan chống tham nhũng

Tổng thống Ukraine giải thích lý do cho việc chính quyền của ông hạn chế quyền độc lập của các điều tra viên chống tham nhũng.

Đài RT ngày 23/7 đưa tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa lên tiếng bảo vệ một sự thay đổi gây tranh cãi nhắm vào các cơ quan chống tham nhũng của nước này.

Ngày 22/7, ông Zelensky đã ký ban hành luật trao quyền cho Văn phòng Tổng công tố can thiệp vào hoạt động của cục Chống tham nhũng quốc gia (NABU) và văn phòng Công tố viên chống tham nhũng chuyên biệt (SAPO). Động thái này diễn ra sau khi lực lượng an ninh Ukraine khám xét trụ sở NABU và bắt giữ một nhân viên cấp cao bị cáo buộc làm gián điệp cho Nga.

Ông Zelensky bác bỏ các cáo buộc cho rằng ông đang dần trở nên độc đoán. “Hệ thống chống tham nhũng vẫn sẽ tiếp tục hoạt động – chỉ là không còn bị ảnh hưởng bởi Moscow nữa. Chúng ta cần loại bỏ điều đó. Và cần có công lý nhiều hơn”, ông Zelensky nói trong bài phát biểu video hàng ngày vào sáng 23/7.

Ông cũng cho rằng việc một số quan chức sống ở nước ngoài mà “không bị truy cứu trách nhiệm pháp lý” là điều “không bình thường”, đồng thời chỉ trích sự thất bại trong điều tra các vụ tham nhũng “trị giá hàng tỷ USD” suốt nhiều năm qua. “Không có lời giải thích nào thỏa đáng về việc tại sao Moscow vẫn có thể thu thập được các thông tin mà họ cần”, ông Zelensky nói.

Ông Vasily Malyuk – người đứng đầu cơ quan an ninh Ukraine (SBU), lực lượng đã tiến hành các cuộc khám xét liên quan đến NABU – phủ nhận việc chính quyền đang “xóa bỏ” hệ thống chống tham nhũng. Ông Malyuk tuyên bố các cơ quan này “vẫn tiếp tục hoạt động hiệu quả”.

NABU và SAPO được thành lập sau cuộc chính biến năm 2014 ở Kiev (dưới sự hậu thuẫn của Mỹ), và được tuyên bố là các thành phần then chốt trong tiến trình cải cách nhằm đưa Ukraine tiệm cận với các chuẩn mực quản trị phương Tây và các định chế tài chính quốc tế. Tuy vậy, một số quan chức phương Tây – bao gồm cả Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance – cho rằng sau một thập kỷ cải cách, Ukraine vẫn chưa loại bỏ được tình trạng tham nhũng ăn sâu.

Theo Guardian, trước khi được ký thành luật, dự luật siết quyền cơ quan chống tham nhũng của chính quyền ông Zelensky đã châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình. Ngày 22/7, khoảng 1.500 người biểu tình đã tập trung gần khu phức hợp phủ Tổng thống của ông Zelensky. Họ hô vang các khẩu hiệu ngay dưới cửa sổ văn phòng của ông như “đáng xấu hổ”, “hãy phủ quyết dự luật này” và giơ cao những biểu ngữ chỉ trích dự luật.

Các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở những thành phố lớn khác như Dnipro, Lviv và Odesa. “Nếu dự luật này được thông qua, nó sẽ khiến Ukraine khó gia nhập Liên minh châu Âu hơn”, Sasha Kazintseva, công dân Ukraine, nói trước khi ông Zelensky ký phê chuẩn luật. “Ông Zelensky vẫn là Tổng thống của chúng tôi. Nhưng khi ông ấy làm sai, chúng tôi sẽ lên tiếng”.

Tetiana Kukuruza, bạn của Kazintseva, nói: “Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2022 chúng tôi xuống đường. Chúng tôi biết rõ tên các nghị sĩ đã bỏ phiếu cho dự luật này. Tôi không nói họ tham nhũng. Nhưng họ có lợi ích riêng”.

Luật mới đã bị nhiều người nổi tiếng và giới truyền thông Ukraine chỉ trích gay gắt. Nhà báo Illia Ponomarenko nói rằng xã hội Ukraine đang phải chiến đấu với “mặt tối trong chính nhà nước của mình”, song song với cuộc xung đột với Nga.

Một số nhân vật quốc tế nổi bật vốn ủng hộ Ukraine cũng bày tỏ lo ngại, trong đó có cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Mike McFaul và cựu Tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ilves.

Ủy viên châu Âu phụ trách mở rộng EU, bà Marta Kos, chỉ trích việc thông qua dự luật.

“Việc dỡ bỏ các cơ chế bảo vệ độc lập của NABU là một bước thụt lùi nghiêm trọng”, bà Kos viết trên mạng xã hội, nhấn mạnh rằng cả NABU và cơ quan công tố chống tham nhũng là “thiết yếu” cho con đường gia nhập EU của Ukraine.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.