Mùa hè năm nay, Trái đất tăng tốc độ quay khiến giới khoa học phải dõi theo từng mili giây. Điều gì đang khiến thời gian bị “lệch pha”, và liệu một bước ngoặt chưa từng thấy có đang chờ đón nhân loại?
Trái đất quay nhanh hơn vào mùa hè năm nay. Ảnh: Getty
CNN ngày 21/7 đưa tin, mùa hè năm nay, Trái đất quay nhanh hơn bình thường, khiến độ dài mỗi ngày bớt đi một chút. Điều này thu hút sự chú ý của các nhà khoa học và chuyên gia đo thời gian.
Theo số liệu được trang TimeandDate tổng hợp từ Cơ quan dịch chuyển và hệ quy chiếu Trái đất (IERSS) và đài thiên văn Hải quân Mỹ (USNO), ngày 10/7 năm nay là ngày ngắn nhất trong năm cho đến nay, ngắn hơn thời gian quy chuẩn cho 1 ngày (24 giờ) tới 1,36 mili giây (1 mili giây = 1/1.000 giây). Các ngày 22/7 và 5/8 cũng được dự báo sẽ là những cột mốc siêu ngắn, lần lượt rút ngắn 1,34 và 1,25 mili giây so với 24 giờ tiêu chuẩn.
Độ dài của một ngày là khoảng thời gian Trái đất xoay một vòng quanh trục – trung bình là 24 giờ. Thực tế, mỗi vòng quay đều có sai số nhỏ do nhiều yếu tố tác động: Lực hút của Mặt Trăng, biến đổi mùa của khí quyển, và ảnh hưởng từ lõi Trái đất khiến thời gian quay có thể nhanh hơn hoặc chậm hơn vài mili giây, mà chúng ta hầu như không nhận ra trong sinh hoạt hàng ngày.
Tuy nhiên, với các hệ thống máy tính, vệ tinh và viễn thông, sai lệch mili giây cũng đủ gây rắc rối. Do đó từ năm 1955, người ta đã sử dụng đồng hồ nguyên tử (atomic clock) – thiết bị đo thời gian chính xác bậc nhất, dựa trên dao động của nguyên tử trong buồng chân không. Chuẩn thời gian quốc tế gọi là UTC (Coordinated Universal Time) được xác lập dựa trên khoảng 450 đồng hồ nguyên tử, là mốc tham chiếu cho mọi điện thoại và máy tính trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, các nhà thiên văn vẫn theo dõi tốc độ quay thực tế của Trái đất bằng vệ tinh, so sánh vị trí tương đối so với các sao cố định. Chính hệ thống này đã ghi nhận ngày 5/7/2024 là ngày ngắn nhất kể từ khi ra đời đồng hồ nguyên tử cách đây 65 năm, với độ ngắn 1,66 mili giây so với 1 ngày chuẩn (24 giờ).
“Kể từ năm 1972, Trái đất có xu hướng ngày càng nhanh hơn”, giáo sư Duncan Agnew – chuyên gia địa vật lý tại Đại học California (Mỹ), cho biết. “Nhưng có những đợt lên xuống, giống như theo dõi thị trường chứng khoán vậy: Có xu hướng dài hạn, rồi lại có đỉnh này đáy kia”.
Chính vào năm 1972, Trái đất xoay chậm hơn đủ để hệ thống UTC phải thêm một “giây nhuận” (leap second) – tương tự như năm nhuận của lịch, khi ta thêm một ngày vào tháng Hai mỗi bốn năm một lần. Kể từ đó, đã có 27 giây nhuận được thêm vào UTC, nhưng dần thưa hơn: Thập niên 70 có đến 9 lần, còn từ 2016 đến nay thì chưa thêm lần nào.
Năm 2022, hội nghị toàn cầu về đo lường và cân nặng đã bỏ phiếu loại bỏ giây nhuận vào năm 2035, song nếu Trái đất tiếp tục tăng tốc, một kịch bản ngược lại có thể xảy ra: Cần bớt đi một giây – gọi là giây nhuận âm (negative leap second). “Cho đến nay, điều đó chưa từng xảy ra”, giáo sư Agnew nói, “nhưng xác suất xảy ra trước 2035 là khoảng 40%”.
Nguyên nhân khiến Trái đất quay nhanh hơn
Một chiếc đồng hồ nguyên tử ở Đức. Ảnh: Getty
Các biến đổi ngắn hạn đến từ lực triều. Đây là lực hấp dẫn của Mặt Trăng (và Mặt Trời) tác động lên các vùng Trái đất khác nhau, tạo nên thủy triều và ảnh hưởng đến tốc độ quay.
Thêm vào đó, vào mùa hè, khí quyển chậm lại do luồng không khí dịch chuyển Bắc – Nam, và để giữ động lượng tổng thể không đổi, Trái đất phải tăng tốc độ quay.
Dựa trên kết hợp những yếu tố này, các chuyên gia có thể dự báo xem ngày sắp tới có thể ngắn hơn bình thường hay không. “Nếu hôm nay Trái đất quay nhanh, ngày mai cũng thường như vậy”, theo Judah Levine – nhà vật lý tại Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ, “nhưng dự báo lâu dài thì không chắc chắn, và dịch vụ đo thời gian quốc tế chỉ dự báo tối đa một năm”.
Thách thức với giây nhuận âm
Nhà vật lý Levine cảnh báo: Dù chúng ta đã tròn 50 năm thêm giây nhuận dương, vẫn còn nhiều nơi thực hiện sai lệch hoặc thực hiện muộn. Giờ phải chuẩn bị cho viễn cảnh giây nhuận âm, vốn chưa từng được thử nghiệm.
Hệ thống viễn thông, giao dịch tài chính, lưới điện, vệ tinh GPS… đều lệ thuộc vào thời gian, nên bất kỳ thay đổi khó lường nào cũng có thể gây sự cố tương tự như sự cố Y2K năm 2000.
Trong sự cố đó, nhiều máy tính chỉ dùng hai chữ số cuối để lưu năm, nên khi lùi từ “99” sang “00”, các máy tính hiểu nhầm thành năm 1900, gây lo ngại về lỗi dữ liệu quy mô toàn cầu. Hàng loạt quốc gia và doanh nghiệp đã chi hàng tỉ USD để nâng cấp phần mềm và hệ thống, và cuối cùng hầu như không xảy ra sự cố nghiêm trọng nào.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.