Hải quân Mỹ đang tăng cường huấn luyện cho các tàu chiến phương thức đối phó với xuồng không người lái (USV), phương tiện được Ukraine dùng để tàn phá Hạm đội Biển Đen của Nga
Giới chức Hải quân Mỹ đang theo dõi sát sao cách các thiết bị không người lái định hình xung đột ở Ukraine và nghiên cứu tích hợp những thiết bị này vào hạm đội truyền thống nhằm phục vụ nhiệm vụ trong tương lai.
Thực tế, USV trở thành vũ khí nguy hiểm và sáng tạo Ukraine đã sử dụng để gây thiệt hại cho Hạm đội Biển Đen của Nga. Do đó, các chỉ huy cấp cao của Hải quân Mỹ đã nhận thấy tiềm năng tấn công của USV cũng như nhu cầu phải có sẵn phương án phòng thủ chống lại chúng.
Mỹ đang tìm cách tích hợp các thiết bị không người lái vào hoạt động của hạm đội. Ảnh: Thủy quân Lục chiến Mỹ
“Những năng lực bất đối xứng này cũng có thể được dùng để chống lại chúng tôi”, Chuẩn đô đốc Michael Mattis, chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm 66 của Hải quân Mỹ chia sẻ với tờ Business Insider. Năng lực bất đối xứng ông Mattis đề cập đến là việc sử dụng vũ khí giá rẻ hàng loạt để chống lại các mục tiêu đắt đỏ của đối phương.
Hồi tháng 6, Hải quân Mỹ đã tiến hành tập trận mô phỏng các cuộc tấn công bằng USV vào tàu chiến của nước này. Động thái nhằm chuẩn bị cho các thủy thủ đoàn phương án đối phó với mối đe dọa có sức tàn phá lớn họ có thể phải đối mặt trong xung đột tương lai.
Tại Biển Đen, Ukraine đã chứng minh cho Mỹ và các đồng minh NATO thấy nguy cơ bị tiêu diệt khi bỏ qua năng lực bất đối xứng. Cụ thể, khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, Kiev không sở hữu lực lượng hải quân hùng mạnh. Do đó, Ukraine đã chuyển sang giao tranh bất đối xứng và thực hiện chiến dịch tấn công bằng tên lửa cùng USV nội địa để tàn phá Hạm đội Biển Đen của Nga.
Đòn tấn công của Ukraine đã gây hư hại hoặc phá hủy hàng chục tàu chiến Nga, đồng thời buộc Moscow phải di dời phần lớn Hạm đội Biển Đen khỏi trụ sở ở báo đảo Crưm đến cảng Novorossiysk ở phía đông Biển Đen.
Theo ông Mattis, chiến dịch của Ukraine đã tàn phá khoảng 40% lực lượng hải quân Nga ở Biển Đen. Vị chỉ huy này lưu ý, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã cho thấy một chu kỳ hành động, phản ứng và phản công trước sự đổi mới của đối phương. Cụ thể, Nga nhận ra việc dùng hệ thống phòng thủ trên tàu chiến khó có thể ngăn chặn USV của Hải quân Ukraine, nên họ đã đối phó bằng cách tăng cường sự hiện diện của máy bay tuần tra chiến đấu nhằm giám sát Biển Đen tốt hơn. Đáp trả, Ukraine trang bị cho USV các tên lửa đất đối không để bắn hạ máy bay phản lực và trực thăng của Nga.
Ông Mattis nhận định, dù Moscow có thể tạo ra sức mạnh chiến đấu trên không, nhưng hoạt động của Hải quân Nga vẫn tương đối hạn chế ở Novorossiysk. Điều này cho thấy Moscow không muốn hoặc không có khả năng thể hiện sức mạnh ở Biển Đen cũng như không thể đạt được mục tiêu kiểm soát tuyến đường thủy quan trọng này.
“Ukraine đã vô cùng thành công trong việc đạt được những tác động chiến lược ở Biển Đen và về cơ bản tận dụng năng lực bất đối xứng để chống lại Nga”, sĩ quan Mỹ nhấn mạnh.
USV GARC (bên phải). Ảnh: Hải quân Mỹ
“Không có chiến thuật lý tưởng”
“Chúng tôi biết Nga đã chậm thích ứng với các biện pháp phòng thủ chống lại họ. Kết quả là Nga đã mất nhiều tàu hơn mức phải chịu, nếu như họ có thể thích ứng nhanh hơn”, ông Mattis nói thêm.
Trong cuộc tập trận “Chiến dịch Baltic 2025” gần đây, Lực lượng đặc nhiệm 66 của Hải quân Mỹ đã sử dụng USV GARC và các hệ thống khác để mô phỏng đòn tấn công vào 2 chiến hạm gồm tàu chỉ huy và kiểm soát USS Mount Whitney và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Paul Ignatius.
USV GARC do công ty BlackSea Technologies của Mỹ sản xuất, mang hình dáng giống xuồng cao tốc cỡ nhỏ nhưng đạt tốc độ hơn 74 km/h.
Theo ông Mattis, mục tiêu là đưa các tàu của Hải quân Mỹ vào tình huống phải phản ứng trong khoảng thời gian cực ngắn. Trong quá trình huấn luyện, người điều khiển sẽ để USV bám đuôi một trong các tàu lớn hơn, rồi đột ngột lao ra từ phía sau tàu, buộc tàu chiến phải phản ứng. Trong tình huống khác, các USV tấn công tàu chiến từ nhiều góc độ khác nhau.
Một trong những thách thức là USV thường mang kích cỡ nhỏ, khiến chúng khó phát hiện và phân biệt so với các tàu thương mại khác. Nói cách khác, đối phương có thể không xác định được mối đe dọa trước khi thảm kịch xảy ra. Ông Mattis nói thêm, cuộc diễn tập sẽ giúp các thủy thủ hiểu được đặc điểm hoạt động của USV là nhanh và linh hoạt, không dễ bị phát hiện và sau đó nhanh chóng bao vây một con tàu. Song, Hải quân Mỹ đã không sử dụng đạn thật trong đợt huấn luyện và không bắn vào USV mô phỏng.
Tuy nhiên, Hải quân Mỹ từng huấn luyện bắn USV trong một cuộc tập trận khác ở châu Âu hồi tháng 5. Khi đó, các thủy thủ trên tàu khu trục USS Thomas Hudner đã thực hành sử dụng súng để ngăn chặn đòn tấn công của USV.
Lực lượng đặc nhiệm 66 đang thử nghiệm một số chiến thuật tiên tiến hơn và đặt mục tiêu cuối cùng là xây dựng các kịch bản huấn luyện phức tạp hơn. Theo ông Mattis, đối với cuộc chiến chống USV, “những gì chúng ta thấy là không có chiến thuật lý tưởng và không có khả năng lý tưởng nào. Cách đối phó là kết hợp giữa các chiến thuật cùng khả năng phải thay đổi theo thời gian để tạo ra những tình huống khó hơn và bất ngờ, từ đó đánh bại đối thủ”.
USV Magura V5 của Ukraine. Ảnh: Ukrinform
“Sáng tạo để tồn tại”
Các cuộc tập trận đối phó với USV là cách để Lực lượng đặc nhiệm 66 rút ra những bài học quan trọng từ cuộc xung đột ở Ukraine và áp dụng chúng vào các tình huống huấn luyện. Lực lượng này cũng đang cố gắng phân tích để có thể sao chép một số phương án có chi phí thấp, nhưng mang lại kết quả cao từng xảy ra ở Biển Đen để áp dụng ở những mặt trận khác như khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ban lãnh đạo Hải quân Mỹ cũng đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI), máy bay không người lái (UAV), các hệ thống tự động và các công nghệ mới nổi nhằm đối phó với xung đột trong tương lai.
Song, ông Mattis thừa nhận, một trong những thách thức là phải đủ nhanh để theo kịp tốc độ thích ứng. Điều đó đồng nghĩa phải tìm ra cách thực hiện, dù bạn đang không đối mặt với mối đe dọa hiện hữu như cách Ukraine đang làm trong xung đột với Nga.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.