Sau đợt không kích các cơ sở hạt nhân Iran hồi tháng 6, Không quân Mỹ bắt đầu có động thái cải tiến siêu bom GBU-57/B – loại bom nặng 13,6 tấn, có khả năng xuyên sâu vào lòng đất và bê tông cốt thép.
Không quân Mỹ muốn nâng cấp siêu bom GBU-57 sau khi đã ném 14 quả bom loại này xuống cơ sở hạt nhân ở Iran vào tháng trước. Ảnh: TWZ.
Quân đội Mỹ ngày 7/7 cho biết đang tìm kiếm đối tác để phát triển các thành phần quan trọng của bom GBU-57/B, đặc biệt là hệ thống kíp nổ và phần đuôi dẫn đường. Washington cũng quan tâm đến việc sửa chữa, cải tiến và đảm bảo nguồn cung cấp lâu dài cho loại bom này, theo trang mạng The War Zone (TWZ) của Mỹ.
Thông báo nhấn mạnh đây là bước thu thập thông tin phục vụ kế hoạch, chưa phải hợp đồng mua sắm chính thức. Tuy vậy, động thái này diễn ra chỉ vài tuần sau khi Không quân Mỹ xác nhận đã sử dụng siêu bom GBU-57 trong cuộc tấn công vào cơ sở hạt nhân Fordow và Isfahan của Iran.
Tại phiên điều trần ngày 26/6 trước Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, tướng David Allvin cho biết kho dự trữ GBU-57 đang được mở rộng.
Số lượng siêu bom GBU-57 còn lại của không quân Mỹ không được tiết lộ. Trước chiến dịch không kích Iran, Mỹ có khoảng 20 quả bom loại này và đã sử dụng 14 quả.
Oanh tạc cơ tàng hình B-2 thả siêu bom GBU-57 trong một cuộc thử nghiệm. Ảnh: TWZ.
Hiện tại, B-2 là máy bay duy nhất có thể triển khai loại bom này trong thực chiến, với mỗi lần xuất kích mang được 2 quả. Trong tương lai, máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider cũng sẽ được trang bị MOP, nhưng có thể chỉ mang được 1 quả mỗi lần.
Cuộc tập kích tại Fordow cho thấy Mỹ đã sử dụng 12 quả GBU-57, mỗi quả được lập trình kíp nổ riêng để đạt hiệu ứng tối đa. 12 quả bom đánh trúng 2 lỗ thông gió, lần lượt xuyên sâu xuống các tầng ngầm. Theo tướng Dan Caine, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tất cả những quả bom này đều có “góc tiếp cận, hướng rơi và tốc độ phù hợp với từng mục tiêu cụ thể”.
Các chuyên gia quốc phòng đánh giá hệ thống kíp nổ chính là phần then chốt trong thiết kế bom xuyên phá như GBU-57. Đặc biệt, Mỹ đang phát triển các kíp nổ cảm biến không gian rỗng – có thể phát hiện khi bom đã lọt vào căn phòng hoặc khoang đủ lớn dưới lòng đất để kích nổ đúng thời điểm, gia tăng hiệu quả công phá.
Trong tương lai, Mỹ cũng phát triển một phiên bản mới tiếp nối GBU-57, gọi là Next Generation Penetrator (NGP) nhằm duy trì ưu thế trong việc phá hủy mục tiêu nằm sâu dưới lòng đất.
“Đây không phải là môi trường tĩnh”, tướng Allvin nói trong một phiên điều trần trước Quốc hội. “Giờ đây khi chúng ta đã chứng minh hiệu quả của bom GBU-57, các đối thủ tiềm tàng chắc chắn sẽ tìm cách thích nghi. Vì vậy, chúng ta cũng phải tiếp tục nâng cấp kho vũ khí này”.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.