Kế hoạch đưa “Thiên nga trắng” Tu-160M tới nước châu Á vấp phải “đá tảng”

Nhiều yếu tố khiến triển vọng của thương vụ về máy bay ném bom chiến lược “Thiên nga trắng” Tu-160M giữa Nga và Ấn Độ trở nên bất định.

Kế hoạch đầy tham vọng của Ấn Độ nhằm thuê một phi đội gồm 6-8 máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-160M “White Swan” (Thiên nga trắng) do Nga sản xuất hiện đang bên bờ vực sụp đổ.

Thỏa thuận mà New Delhi đang tìm kiếm – nhằm mở rộng đáng kể khả năng tấn công tầm xa của quốc gia Nam Á – phải đối mặt với những trở ngại lớn do Nga dường như đang ưu tiên các nhu cầu nội bộ hơn.

Tu-160M, được NATO gọi là “Blackjack”, là máy bay ném bom chiến lược hàng đầu của Nga và là máy bay chiến đấu siêu thanh lớn nhất thế giới.

Với tầm chiến đấu trên 12.000 km, khả năng mang tải trọng 40 tấn và tốc độ tối đa vượt quá Mach 2, “Thiên nga trắng” được hình dung là một “yếu tố thay đổi cuộc chơi” mang tính chiến lược, có thể đưa bom hạt nhân hoặc thông thường vào sâu trong lãnh thổ của kẻ địch.

Tu-160M là máy bay ném bom thế hệ tiếp theo được trang bị tên lửa siêu thanh. Ảnh: Eurasian Times

Tu-160M là máy bay ném bom thế hệ tiếp theo được trang bị tên lửa siêu thanh. Ảnh: Eurasian Times

Việc có được một mẫu oanh tạc cơ như vậy sẽ lấp đầy khoảng trống quan trọng trong kho vũ khí của Không quân Ấn Độ (IAF), hiện đang dựa vào máy bay ném bom chiến đấu tầm ngắn hơn cho các nhiệm vụ tấn công.

Mô hình cho thuê dài hạn được coi là một cách tiếp cận thận trọng về mặt tài chính, cho phép New Delhi sở hữu các khí tài chiến lược đắt đỏ trong khi vẫn tiết kiệm đáng kể ngân sách, khi mỗi chiếc Tu-160M được cho là có giá lên tới hơn 500 triệu USD nếu được “mua đứt”.

Điểm hấp dẫn của thỏa thuận về Tu-160M giữa Nga và Ấn Độ là mục chuyển giao công nghệ, cho phép tích hợp tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos do Ấn Độ sản xuất vào “Thiên nga trắng”.

Điều này sẽ tạo ra một hệ thống vũ khí độc đáo và mạnh mẽ, kết hợp một nền tảng trên không hàng đầu của Nga với một tên lửa siêu lợi hại của Ấn Độ, phù hợp hoàn hảo với sáng kiến “Aatmanirbhar Bharat” (Ấn Độ tự lực) do Thủ tướng Narendra Modi khởi xướng trong lĩnh vực quốc phòng.

Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos do Ấn Độ và Nga đồng phát triển. Ảnh: Mathrubhumi

Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos do Ấn Độ và Nga đồng phát triển. Ảnh: Mathrubhumi

Mặc dù có sức hấp dẫn về mặt chiến lược, thỏa thuận được đề xuất đã gặp phải những trở ngại đáng kể. Các nguồn tin được truyền thông Ấn Độ trích dẫn chỉ ra rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine, diễn ra từ tháng 2/2022, đã gây căng thẳng cho tổ hợp công nghiệp-quân sự của Moscow.

Cuộc xung đột đã chuyển hướng các nguồn lực quan trọng để duy trì hoạt động của Nga, tác động đến tiến độ sản xuất tại nhà máy hàng không Kazan, nơi cho ra lò mẫu máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-160M.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV/drone) của Ukraine, đáng chú ý là chiến dịch “Mạng nhện” hồi tháng 6/2025, đã nhắm vào các căn cứ không quân của Nga, gây hư hại cho máy bay ném bom Tu-95MS và Tu-22M3.

Mặc dù Tu-160 không bị ảnh hưởng, nhưng các cuộc tấn công này đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của chúng trong bộ ba hạt nhân của Nga, có khả năng khiến Moscow ngần ngại xuất khẩu các tài sản như vậy.

Các lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt đối với Nga đã làm phức tạp thêm vấn đề, hạn chế Moscow tiếp cận các thành phần và công nghệ tiên tiến cần thiết cho quá trình sản xuất Tu-160M.

Ngoài ra, những thay đổi về địa chính trị và quan hệ đối tác trong bối cảnh hiện tại có thể đã góp phần khiến các cuộc đàm phán bị đình trệ.

Tóm lại, sự kết hợp giữa những hạn chế về sản xuất của Nga và bối cảnh địa chính trị đang thay đổi đã khiến tương lai của thương vụ liên quan tới máy bay ném bom chiến lược “Thiên nga trắng” Tu-160M mang tính bước ngoặt này trở nên bất định.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.