Iran biến ‘mèo đực’ F-14 của Mỹ thành máy bay tấn công tầm xa thế nào?

Kể từ khi những chiếc F-14A Tomcat đầu tiên được giao cho Iran vào năm 1975, loại tiêm kích tối tân của Mỹ nhanh chóng trở thành xương sống trong Không quân Iran.

Ban đầu được thiết kế để chiếm ưu thế trên không, F-14 đã chứng tỏ giá trị trong vai trò phòng không, đặc biệt là trong cuộc chiến Iran-Iraq nổ ra năm 1980. Tuy nhiên, theo thời gian, Iran đã khiến thế giới bất ngờ khi từng bước “hóa phép” F-14 thành một máy bay chiến đấu đa năng, có thể tấn công các mục tiêu mặt đất ở tầm xa.

Máy bay chiến đấu F-14 của Không quân Iran. (Nguồn: MW)

Máy bay chiến đấu F-14 của Không quân Iran. (Nguồn: MW)

Trong xung đột, Không quân Iraq không ngừng nâng cấp lực lượng, đặc biệt với các máy bay đánh chặn MiG-25PD và tiêm kích MiG-23ML. Dù Iran cũng có nhiều máy bay F-4 và F-5 cho nhiệm vụ tấn công, nhưng những hạn chế về tầm bay và tải trọng khiến Tehran phải tìm giải pháp mới. F-14 với khả năng mang nhiều vũ khí và tầm bay xa, đã được chọn để lấp vào khoảng trống đó.

Đây là một quyết định táo bạo, bởi F-14 vốn được chế tạo chuyên để không chiến, không phải để ném bom. Dù vậy, Iran đã trang bị cho F-14 các thuật toán ném bom tự động, tận dụng hệ thống điện tử tiên tiến của máy bay để cải thiện độ chính xác.

Đặc biệt, giá treo bom được lắp dưới thân F-14 giúp tối ưu khí động học, giảm lực cản, điều rất quan trọng trong các chuyến bay tầm xa mang tải trọng lớn.

Iraq khi đó sở hữu những lợi thế đáng kể về khả năng tấn công tầm sâu. Máy bay MiG-25RB có thể thả tới 2 tấn bom xuống các thành phố Iran và bay về an toàn mà hầu như không thể bị chặn. Trực thăng vũ trang Mi-24 và tên lửa Scud-B cũng góp phần làm nghiêng cán cân. Trong bối cảnh đó, Iran buộc phải tìm cách đáp trả.

Mặc dù Iran tuyên bố đã tự phát triển năng lực ném bom cho F-14, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ có thể đã hỗ trợ gián tiếp. Các giá treo bom mà Iran lắp lên F-14 rất giống loại BRU-34 và BRU-42 của Mỹ, bắt đầu xuất hiện đúng thời điểm Iran bắt đầu nâng cấp F-14 cho nhiệm vụ tấn công.Những phi vụ đầu tiên của F-14

Chiến dịch tấn công đầu tiên bằng F-14 của Iran được cho là diễn ra vào khoảng năm 1985, do Chuẩn tướng Shahram Rostami chỉ huy. Máy bay cất cánh từ căn cứ không quân số 5, mang theo bom nhắm vào sở chỉ huy tiền phương của quân đội Iraq. Thế nhưng, do thiếu kinh nghiệm, phi hành đoàn đã ném bom trượt mục tiêu, khiến nhiệm vụ thất bại. Thất bại này trở thành bài học lớn và thúc đẩy Iran tiếp tục cải tiến máy bay.

Máy bay ném bom trinh sát MiG-25RB. (Nguồn: MW)

Máy bay ném bom trinh sát MiG-25RB. (Nguồn: MW)

Không lâu sau, Iran phát triển một loại bom cực nặng, lên tới 3.200 kg, tương đương sức công phá của ba quả tên lửa Scud-B. Tướng Abbas Babaei, Tổng tư lệnh Không quân Iran, thậm chí còn trực tiếp theo dõi một đợt thử nghiệm loại bom này tại tiền tuyến. Dù quả bom đầu tiên không trúng đích, nhưng sức công phá của nó vẫn khiến quân đội Iraq phải lo ngại.

Dù được cải tiến, F-14 chưa bao giờ thật sự lý tưởng cho vai trò ném bom. So với MiG-25RB của Liên Xô, F-14 nặng nề và phức tạp hơn, đòi hỏi bảo trì nhiều hơn, khiến tần suất hoạt động bị giới hạn. Đáng chú ý, MiG-25 có thể bay cao và nhanh hơn hẳn, điều mà F-14 không thể sánh kịp, nhất là khi Iraq bắt đầu đưa vào sử dụng MiG-29 từ năm 1987.

Nếu bay sâu vào lãnh thổ Iraq mà không có tiêm kích hộ tống, F-14 sẽ trở thành mục tiêu dễ dàng. Vì thế, dù có tầm bay xa, loại máy bay này không thể thực hiện các phi vụ ném bom chiến lược vào các thành phố lớn của Iraq mà không gặp rủi ro cao.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.