Hungary “ngược dòng” EU liên quan năng lượng Nga

Hungary cảnh báo rằng việc EU tiếp tục gây áp lực buộc nước này từ bỏ năng lượng Nga sẽ làm tăng đáng kể chi phí mà các hộ gia đình phải gánh chịu.

Trong bối cảnh EU vừa áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Moscow để phản ứng với cuộc xung đột ở Ukraine và tăng cường các kế hoạch nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, Hungary đã có một bước đi theo hướng ngược lại.

Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó cho biết quốc gia thành viên EU ở Trung Âu này đã đạt được một thỏa thuận với “các đồng nghiệp Serbia và Nga” về việc xây dựng một đường ống dẫn dầu mới giữa Serbia và Hungary nhằm tăng cường nhập khẩu dầu thô từ Nga.

Thông báo này được ông Szijjártó đưa ra trên mạng xã hội sau cuộc hội đàm trực tuyến hôm 21/7 với Bộ trưởng Năng lượng Serbia Dubravka Dedović và Thứ trưởng Năng lượng Nga Pavel Sorokin.

Theo nhà ngoại giao hàng đầu trong chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban, đường ống này có thể đi vào hoạt động sớm nhất là vào năm 2027 và có khả năng vận chuyển tới 5 triệu tấn dầu mỗi năm. Hungary sẽ cần xây dựng khoảng 180 km đường ống để kết nối với mạng lưới của Serbia.

Trong khi thông báo về đường ống dẫn dầu mới, ông Szijjártó cũng cho rằng chính những nỗ lực liên tục của EU nhằm cấm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga đã đẩy giá năng lượng ở lục địa này lên “gấp nhiều lần” so với những nơi khác trên thế giới.

Đường ống dẫn dầu Druzhba giữa Hungary và Nga tại nhà máy lọc dầu Danube của Tập đoàn MOL Hungary ở Szazhalombatta, Hungary. Ảnh: Al Jazeera

Đường ống dẫn dầu Druzhba giữa Hungary và Nga tại nhà máy lọc dầu Danube của Tập đoàn MOL Hungary ở Szazhalombatta, Hungary. Ảnh: Al Jazeera

“Brussels liên tục đưa ra những quyết định làm suy yếu nghiêm trọng an ninh năng lượng của châu Âu. Họ muốn cắt đứt nguồn cung dầu khí của Nga và đóng cửa các tuyến đường cung cấp. Kết quả là gì? Giá năng lượng ở châu Âu hiện cao gấp nhiều lần so với các nơi khác”, ông Szijjártó cho biết trên mạng xã hội hôm 21/7.

Nhà ngoại giao Hungary lập luận rằng cho đến nay chính phủ ở Budapest đã có thể duy trì hệ thống giá dịch vụ tiện ích phải chăng, nhưng cảnh báo rằng việc EU tiếp tục gây áp lực buộc nước này từ bỏ năng lượng Nga sẽ làm tăng đáng kể chi phí mà các hộ gia đình phải gánh chịu.

“Brussels muốn cắt giảm các nguồn năng lượng và tháo dỡ các đường ống. Chúng tôi đang làm ngược lại. Các nguồn năng lượng mới và đường ống dẫn mới là chìa khóa để giảm giá điện trên khắp lục địa”, ông Szijjártó nói.

Nhấn mạnh cam kết liên tục của chính phủ trong việc bảo vệ giới hạn hóa đơn năng lượng trong nước – một yếu tố then chốt trong chiến dịch tranh cử, Ngoại trưởng Hungary nói: “Chúng tôi sẽ xây dựng các đường ống dẫn dầu và mở ra các nguồn cung mới, nhờ đó duy trì mức hóa đơn năng lượng thấp nhất châu Âu cho người dân Hungary”.

Theo Vesti.ru, tuyến đường ống mới sẽ vận chuyển dầu thô của Nga đến Serbia thông qua Hungary, lấy nguồn cung từ Trung Âu thông qua nhánh phía Nam của đường ống Druzhba (Hữu nghị) – một trong những hệ thống đường ống dẫn dầu lớn nhất thế giới, được xây dựng từ thời Liên Xô cũ.

Đường ống này được thiết kế để vận chuyển dầu thô từ lưu vực dầu khí Volga-Ural đến châu Âu. Tuyến đường này chạy từ Samara đến Bryansk và tiếp tục đến Mazyr, nơi nó chia thành 2 nhánh: Nhánh phía Bắc đi qua Belarus, Ba Lan, Đức, Latvia và Litva; nhánh phía Nam chạy qua Ukraine, Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary và Croatia.

Tổng chiều dài mạng lưới Druzhba khoảng 8.900 km, trong đó khoảng 3.900 km nằm trong lãnh thổ Nga. Hệ thống bao gồm 46 trạm bơm (cộng với hàng chục đơn vị trung gian) và sức chứa khoảng 1,5 triệu m3.

Lượng xuất khẩu hàng năm qua Druzhba đến các điểm đến “xa xôi” đạt khoảng 66,5 triệu tấn, trong đó nhánh phía Bắc vận chuyển khoảng 49,8 triệu tấn.

Hungary và Serbia lần đầu tiên đưa ra ý tưởng về một đường ống kết nối mới cách đây khoảng 1 năm.

Sáng kiến này hiện đã có thêm động lực mới – đúng vào thời điểm EU đang tăng tốc hành động nhằm loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch của Nga ra khỏi cơ cấu năng lượng của khối này vào cuối năm 2027.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.