Những hình ảnh hiếm hoi xuất hiện gần đây cho thấy cận cảnh tiêm kích tàng hình J-35 của hải quân Trung Quốc và đã thu hút sự chú ý đặc biệt, theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP).
Cận cảnh tiêm kích tàng hình J-35 của Trung Quốc. Ảnh: SCMP.
Theo SCMP, loạt ảnh cho thấy hai tiêm kích J-35 bay theo đội hình, mang phù hiệu “Hải quân Trung Quốc” cùng biểu tượng “Cá mập bay” trên phần đuôi. Theo các nhà quan sát quân sự, đây là tín hiệu trực quan rõ ràng nhất cho thấy mẫu máy bay tàng hình thế hệ thứ năm này đang tiến gần tới khả năng triển khai thực tế.
Khác với các hình ảnh trước đây chủ yếu được chụp trên mặt đất, loạt ảnh mới được ghi lại từ trên không, cho thấy cặp tiêm kích J-35 theo đội hình song song. Theo ông Tống Trung Bình, cựu giảng viên quân sự của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), sự hiện diện của các số hiệu “0011” và “0012” cùng lớp sơn hoàn thiện là dấu hiệu cho thấy J-35 đã bước vào giai đoạn sản xuất với số lượng hạn chế.
“Biểu tượng ‘Cá mập bay’ là dấu hiệu cho thấy J-35 đã gia nhập lực lượng hàng không hải quân và có thể sẽ sớm được đưa vào triển khai trên tàu sân bay”, ông Tống nhận định.
Mặc dù những hình ảnh mới mang lại góc nhìn rõ nét nhất từ trước đến nay, mẫu tiêm kích J-35 không còn xa lạ. Các nguyên mẫu trước đó từng xuất hiện bên cạnh J-15, dòng tiêm kích chủ lực trên tàu sân bay hiện tại của Trung Quốc, và tiêm kích J-20.
Các mẫu máy bay này đang tham gia diễn tập chuẩn bị cho lễ duyệt binh ngày 3/9 tại Bắc Kinh nhân kỷ niệm 80 năm kết thúc Thế chiến II.
Theo SCMP, J-35 được cho là đang được phát triển song song cùng J-15T, hình thành bộ đôi “cao – thấp” nhằm xây dựng năng lực tác chiến toàn diện trên tàu sân bay.
J-35 được đánh giá có năng lực tiệm cận tiêm kích F-35 của Mỹ. Ảnh: SCMP.
Các mẫu J-35 nhiều khả năng sẽ được trang bị đầu tiên trên tàu sân bay Phúc Kiến – tàu sân bay đầu tiên sử dụng máy phóng điện từ của Trung Quốc. Tàu đã hoàn tất 8 chuyến thử nghiệm trên biển và được kỳ vọng sẽ chính thức đi vào hoạt động trước cuối năm nay.
Một điểm đáng chú ý trong các bức ảnh mới là cả hai tiêm kích J-35 đều không gắn ống đo tốc độ không khí (pitot tube) ở phần mũi, vốn thường xuất hiện trong các nguyên mẫu thử nghiệm. Ông Tống cho biết chi tiết này không hoàn toàn mang tính quyết định vì “các hệ thống đo tốc độ hiện đại không cần tới ống pitot bên ngoài nữa”. Thay vào đó, cảm biến có thể được tích hợp bên trong để cải thiện khả năng tàng hình và hiệu suất khí động học.
Ông cũng cho rằng việc hai máy bay bay song song không có gì bất thường. “Đây là đội hình cơ bản nhất trong tác chiến, với một chiếc dẫn đầu và một chiếc yểm trợ”, ông nói.
Mẫu J-35 của Trung Quốc được các nhà quan sát quân sự đánh giá có vẻ ngoài khá giống và năng lực có thể tiệm cận tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Một khi J-35 chính thức được triển khai trên tàu sân bay, Trung Quốc sẽ là quốc gia duy nhất ngoài Mỹ vận hành hai mẫu tiêm kích tàng hình khác nhau.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.