Điện Kremlin lên tiếng về quyết định gây tranh cãi ở Ukraine của ông Zelensky

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, ngày 23/7 nói các cuộc biểu tình nổ ra sau quyết định cải tổ hai cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Ukraine là vấn đề nội bộ, song cũng lưu ý rằng các nhà tài trợ phương Tây có lý do để lo ngại về tình trạng tham nhũng tại Ukraine.

Người dân Ukraine biểu tình phản đối quyết định mới của ông Zelensky. Ảnh: Patryk Jaracz/Getty Images.

Người dân Ukraine biểu tình phản đối quyết định mới của ông Zelensky. Ảnh: Patryk Jaracz/Getty Images.

Trước đó một ngày, làn sóng biểu tình đã bùng phát trên khắp Ukraine sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky quyết định đưa Cục Chống tham nhũng Quốc gia (NABU) và Văn phòng Công tố viên Chống tham nhũng Đặc biệt (SAPO) về dưới sự giám sát trực tiếp của Tổng công tố. Động thái này diễn ra sau các cuộc đột kích vào trụ sở NABU với nghi vấn cơ quan này “bị ảnh hưởng bởi tình báo Nga”.

Nhiều nhà quan sát cho rằng chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có xu hướng tập trung quyền lực và lo ngại rằng hành động này sẽ khiến hai cơ quan chống tham nhũng chỉ còn mang tính hình thức. Họ cho rằng cuộc trấn áp là một phần trong nỗ lực làm suy yếu các cơ quan độc lập.

Bình luận về sự kiện này, ông Peskov nhận định rằng các nhà tài trợ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, có quyền nghi ngờ về việc hàng trăm tỷ USD viện trợ cho Ukraine được sử dụng ra sao trong bối cảnh “tham nhũng ở Ukraine là vấn đề nghiêm trọng”.

“Rõ ràng một phần đáng kể số tiền đó… đã bị đánh cắp”, ông Peskov nói. “Tiền của người đóng thuế Mỹ, người đóng thuế châu Âu, phần lớn đã bị đánh cắp tại Ukraine. Có thể nói như vậy với mức độ chắc chắn cao”.

Ông Peskov khẳng định tham nhũng là “vấn đề cấp bách ở Ukraine”, đồng thời nhấn mạnh việc điều chuyển hay tái cấu trúc các cơ quan là chuyện nội bộ của Kiev.

Theo RT, Điện Kremlin đưa ra tuyên bố sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đặt nghi vấn về hiệu quả sử dụng tiền viện trợ của Ukraine. “Tôi có cảm giác rằng họ không dùng toàn bộ số tiền đó để mua thiết bị. Rồi một ngày nào đó, chúng ta sẽ phải tìm hiểu rõ chuyện này, phải không?”, ông Trump nói trong một video được đăng tải vào ngày 23/7.

Trong quá khứ, Ukraine đã đối mặt với một loạt bê bối lớn liên quan đến các hợp đồng quốc phòng. Tháng 1/2024, Cơ quan An ninh Ukraine phát hiện vụ biển thủ 40 triệu USD thông qua các hợp đồng vũ khí giả mạo. Đến tháng 4, một vụ gian lận trong cung cấp thực phẩm cho quân đội trị giá gần 18 triệu USD cũng bị phanh phui tại Bộ Quốc phòng.

Liên minh châu Âu từ lâu đã bày tỏ lo ngại về nạn tham nhũng tại Ukraine, và từng đặt điều kiện cải cách chống tham nhũng là yếu tố then chốt trong tiến trình xem xét tư cách thành viên của Kiev.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.