Dựa trên các bức ảnh chụp được khi tàu ngầm nổi lên, nó có thể là tàu ngầm lớp Kilo của Nga, nhưng tên chính xác của tàu ngầm vẫn được giữ bí mật.
Một cảnh tượng đáng kinh ngạc đã diễn ra cuối tuần qua ở khu vực Eo biển Anh/Manche ngoài khơi bờ biển Brittany: Một tàu ngầm quân sự của Nga bất ngờ nổi lên khỏi mặt nước cách một tàu đánh cá chỉ vài mét.
Việc một “thủy quái” khổng lồ bất thình lình xuất hiện trước mặt đã mang lại cho thủy thủ đoàn của tàu đánh cá Belenos một trải nghiệm không mấy dễ chịu khi nó đủ gần để một thủy thủ có thể chụp được hình ảnh chi tiết về thân tàu và tháp chỉ huy.
Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi tàu MarineTraffic, tàu Belenos được nhìn thấy ngoài khơi Brittany vào khoảng 9h sáng thứ Bảy (ngày 28/6). Sau khi đánh bắt cá ở phía Bắc Roscoff, con tàu dài 25 mét tiến gần đến bờ biển phía Tây của quần đảo Jersey và Guernsey thì cuộc chạm trán diễn ra.
Theo trang Maritime Executive, mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy thủy thủ đoàn của tàu Belenos gặp nguy hiểm, nhưng đã từng xảy ra những vụ tai nạn chết người trong quá trình tàu ngầm nổi lên hoặc hoạt động gần mặt nước.
Nổi bật nhất là một cuộc thử nghiệm nổi lên khẩn cấp do tàu ngầm USS Greeneville của Hải quân Mỹ thực hiện. Khi trồi lên, chiếc tàu ngầm đã đụng trúng và đâm thủng thân tàu huấn luyện đánh cá Ehime Maru của Nhật Bản, khiến 9 người thiệt mạng, trong đó có 4 học sinh trung học.
Dựa trên các bức ảnh chụp được khi tàu ngầm nổi lên, nó có thể là tàu ngầm lớp Kilo của Nga, nhưng tên chính xác của tàu ngầm vẫn chưa được tiết lộ. Ảnh: The Telegraph
Trong trường hợp của tàu ngầm Nga, cơ quan Hàng hải Đại Tây Dương (Premar Atlantique) có trụ sở tại Brest, Pháp, đã xoa dịu lo ngại về sự xuất hiện đột ngột của con tàu, báo địa phương Ouest-France cho biết khi lần đầu đưa tin về cuộc đụng độ.
Premar Atlantique nói với báo Pháp rằng, tàu ngầm Nga đang di chuyển về phía Bắc và được khinh hạm Normandie hộ tống; hoạt động này là thường lệ và được lực lượng Pháp giám sát chặt chẽ, và nó “không gây ra bất kỳ mối lo ngại nào”.
“Tàu ngầm này đã bị theo dõi trong một thời gian; nó chỉ đơn giản là đang di chuyển”, cơ quan này nói. “Nhìn chung, tàu ngầm Nga không ẩn náu vì họ biết chúng tôi biết về sự hiện diện của họ”.
“Khinh hạm Normandie của Pháp đã bám sát tàu ngầm khi nó tiến về phía Nam để vào Địa Trung Hải hoặc đi dọc theo bờ biển châu Phi, giống như các đơn vị Nga từ Hạm đội Phương Bắc (có trụ sở tại Severomorsk) hoặc Hạm đội Baltic (tại Kaliningrad) thường làm”.
Khinh hạm Normandie của Pháp hộ tống tàu ngầm Nga qua Eo biển Anh/Manche. Ảnh: The Telegraph
Theo nhật báo địa phương Le Telegramme, tàu ngầm Nga nói trên đang trên đường trở về cảng đồn trú sau khi rời căn cứ của Moscow ở Syria.
Dựa trên các bức ảnh chụp được khi tàu ngầm nổi lên, nó có thể là tàu ngầm lớp Kilo, nhưng tên chính xác của tàu ngầm vẫn được giữ bí mật, báo Pháp cho biết.
Báo The Telegraph của Anh cũng phỏng đoán đây là một tàu ngầm tấn công lớp Kilo dài khoảng 73 mét, chạy bằng diesel-điện. Nhiệm vụ theo dõi tàu ngầm này sau đó đã được chuyển giao cho Hải quân Hoàng gia Anh, nơi thường tiết lộ danh tính của các tàu Nga vài ngày sau mỗi hoạt động.
Trong khi danh tính của con “thủy quái” này vẫn còn là ẩn số, Hải quân Pháp đã ghi nhận một hiện tượng bất thường ở khu vực Eo biển Anh/Manche.
Theo The Telegraph, tàu hộ vệ tên lửa Boikiy của Hải quân Nga được cho là đã phát mã nhận diện “giả” khi đi qua eo biển này vào đầu tháng trước cùng với 2 tàu chở dầu thuộc “hạm đội bóng tối” bị phương Tây trừng phạt.
Trong một phiên điều trần tại Quốc hội Pháp hôm 2/7, Đô đốc Benoit de Guibert, người đứng đầu cơ quan hàng hải khu vực Eo biển Manche và Biển Bắc, đã đưa ra ước tính của mình về số lượng tàu trong “hạm đội bóng tối”.
Theo vị quan chức, hạm đội này “bao gồm khoảng 900 tàu, trong đó có hàng chục tàu được theo dõi hằng ngày ở Eo biển Manche”, liên quan tới không chỉ Nga mà còn cả các quốc gia khác như Iran.
Các biện pháp trừng phạt gần đây của phương Tây nhắm vào hạm đội này được cho là đã thúc đẩy Moscow sử dụng chiến hạm để bảo vệ các tàu chở dầu.
Ví dụ, hồi đầu tháng 5, Hải quân Estonia đã nỗ lực ngăn chặn một tàu chở dầu mà họ nghi ngờ không có đăng ký hợp lệ, kéo theo sự xuất hiện của một máy bay chiến đấu Su-35 của phía Nga mà phía Estonia cho là đã xâm nhập không phận của họ để bảo vệ tàu chở dầu.
“Điều này có vẻ được thiết kế để ngăn chặn Vương quốc Anh và các quốc gia NATO khác cố gắng lên tàu và/hoặc bắt giữ các tàu này. Nhưng sự hiện diện của lực lượng hộ tống quân sự sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu và leo thang”, ông Dmitry Gorenburg, một nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Phân tích Hải quân, nói với báo Anh.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.