Đề án phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 được Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương ký quyết định phê duyệt. Một trong những nội dung chủ chốt là mục tiêu World Cup của ĐT Việt Nam. Nhưng thay vì việc tham dự World Cup 2030, “Những chiến binh sao Vàng” được hoạch định giành vé ở giải thế giới 4 năm sau đó.
Những mục tiêu nào cho bóng đá Việt Nam?
Chiều 5/7, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã ký Quyết định số 2368/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Mục tiêu và nhiệm vụ chiến lược của bóng đá Việt Nam trong vòng 20 năm tới được chia làm 2 giai đoạn, với những đầu mục chi tiết được ghi trong đề án.
Liên quan đến thành tích của các ĐT Việt Nam, trong giai đoạn 5 năm tới (2025 – 2030), U23 Việt Nam phải giành huy chương ở SEA Games 2025 và hướng tới giành HCV ở 2 đại hội các năm 2027, 2029. Cũng với đội U23 Việt Nam, mục tiêu vượt qua vòng bảng ASIAD 2026 và tứ kết ASIAD 2030 được ghi rõ trong chỉ tiêu ở giai đoạn này. Bên cạnh đó, U23 Việt Nam cũng nhận nhiệm vụ có gắng tham dự ít nhất 1 kỳ Olympic 2028 hoặc 2032.
Với ĐT Việt Nam, nhiệm vụ của “Những chiến binh sao Vàng” là phấn đấu vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2030. Việc giành quyền dự VCK World Cup đối với ĐT Việt Nam được dịch lùi lại sau đó 4 năm. Chỉ tiêu tại Asian Cup vẫn là tái lập mục tiêu vào tứ kết trong năm 2031.
ĐT Việt Nam không tham vọng dự World Cup 2030 bằng mọi giá.
Trong khi đó, ĐT nữ Việt Nam chịu áp lực thành tích lớn hơn. Bất chấp việc các đối thủ trong khu vực như Philippines, Indonesia đẩy mạnh chiến lược nhập tịch, “Nữ chiến binh sao Vàng” vẫn nhận chỉ tiêu phải phấn đấu giành Huy chương Vàng ở các kỳ SEA Games 2025, 2027 và 2029. Ở mặt trận châu lục, ĐT nữ Việt Nam cũng cần hướng tới việc vào bán kết ASIAD 2026, 2030; vượt qua vòng bảng Asian Cup 2026 cũng như phấn đấu vào tứ kết ở giải 4 năm sau đó. Ngoài ra, ĐT nữ Việt Nam cũng cần phấn đấu góp mặt ở World Cup 2027, 2031 cũng như giành suất tham dự ít nhất 1 kỳ Olympic 2028 hoặc 2032.
Từ giai đoạn 2030 đến năm 2045, Đề án phát triển bóng đá Việt Nam đề cập đến các chỉ tiêu từ khu vực, châu lục đến quốc tế. Theo đó tại SEA Games, bóng đá nam và nữ phấn đấu giữ vững vị trí top đầu tại khu vực Đông Nam Á; giành Huy chương Vàng các kỳ SEA Games. Với đấu trường châu lục, bóng đá nam phấn đấu giữ vững vị trí top 10 quốc gia tại châu Á; tham dự các kỳ ASIAD, Asian Cup phấn đấu có huy chương. Bóng đá nữ hướng tới giữ vững vị trí top 5 quốc gia tại châu Á; tham dự các kỳ ASIAD, Asian Cup phấn đấu có huy chương. Tại giải thế giới, bóng đá nam phấn đấu giành quyền tham dự World Cup trong giai đoạn đến năm 2045. Bóng đá nữ phấn đấu duy trì quyền tham dự World Cup trong giai đoạn đến năm 2045.
Chưa đủ tham vọng và nghiêng về an toàn
Chưa đề cập đến các nhiệm vụ chủ chốt cũng như các mục tiêu khác trong phát triển toàn diện bóng đá Việt Nam hướng đến 2030 và tầm nhìn 2045, xét riêng “KPI” cho đội tuyển Việt Nam trong đề án kể trên cũng thấy một chi tiết đáng chú ý.
Đó là với những giải đấu ở giai đoạn trước mắt, mục tiêu cho ĐT Việt Nam và U23 Việt Nam chưa thể hiện tham vọng. Đơn cử như với SEA Games 2025 diễn ra vào cuối năm nay. Thầy trò HLV Kim Sang-sik chỉ nhận nhiệm vụ giành huy chương. Tức là chỉ cần giành Huy chương Đồng, U23 Việt Nam cũng đã hoàn thành chỉ tiêu như căn cứ của đề án. Phải chờ tới 2 năm sau, mục tiêu cho U23 Việt Nam mới được đẩy lên là phấn đấu giành Huy chương Vàng.
Câu chuyện tương tự với ĐT Việt Nam. Thay vì khát vọng chinh phục tấm vé dự World Cup 2030, sau hành trình dang dở tại vòng loại thế giới 2026, nhiệm vụ chi tiết dành cho “Những chiến binh sao Vàng” dừng lại ở việc phấn đấu vào vòng loại thứ 3 World Cup 2030. Áp lực chỉ thực sự đến với ĐT Việt Nam tại vòng loại World Cup 2034. Các cầu thủ lúc bấy giờ phải nỗ lực để tranh vé dự giải thế giới vốn diễn ra sau đây… 9 năm nữa!
Ở góc độ tích cực, những chỉ tiêu kể trên giúp các đội tuyển Việt Nam hiện tại giảm đi sức ép về thành tích, qua đó tránh cực đoan khi bước vào tranh tài tại SEA Games hay vòng loại World Cup trong thời gian tới đây. Nhưng tại chiều ngược lại, tâm lý an toàn, ngại thất bại khi đặt tham vọng cao xa dường như đang hiện diện trong định hướng mục tiêu ở U23 và ĐT Việt Nam.
Hai chỉ tiêu kể trên cũng đang chưa đồng nhất với những tuyên bố về tham vọng trước đó dành cho U23 cùng ĐT Việt Nam. Còn nhớ vào giữa tháng 3/2025, một thành viên trong Ban huấn luyện U23 Việt Nam khẳng định sẽ cố gắng phấn đấu tranh Huy chương Vàng SEA Games trên đất Thái Lan. Song như đề án được phê duyệt, câu chuyện chỉ dừng lại ở ngưỡng thầy trò Kim Sang-sik giành được huy chương tại đại hội khu vực.
Hay như mục tiêu dự World Cup của ĐT Việt Nam. Ngay trong đề án được phê duyệt chiều 5/7, mục tiêu chung cho “Những chiến binh sao Vàng” là phấn đấu hoàn thành việc giành suất dự VCK World Cup 2030. Nhưng ở phần mục tiêu chi tiết, “KPI” của ĐT Việt Nam được giảm xuống còn nỗ lực vào vòng loại thứ 3 World Cup 2030!
Tham vọng vào top 10 châu Á Song song với mục tiêu về thành tích cho các đội tuyển bóng đá Việt Nam, Đề án phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 cũng có một số nội dung đáng chú ý khác. Trong đó, nhiệm vụ đưa bóng đá nước ta phát triển, trở thành một trong những trung tâm bóng đá của khu vực và châu lục; đến năm 2030 đứng trong nhóm 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu ở châu Á… nhận được sự hoan nghênh và ủng hộ đến từ cổ động viên. Bởi mục tiêu này thể hiện được tham vọng phù hợp với tiềm lực, vị thế và khả năng hiện thực hoá mà bóng đá Việt Nam có được. Đề án cũng đề cập đến các mục tiêu, nhiệm vụ khác như: Đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng bóng đá; gắn kết đào tạo các tuyến, các lớp vận động viên kế cận nhằm tạo nguồn cho các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp và các đội tuyển bóng đá quốc gia; Phát triển bóng đá thành tích cao theo định hướng chuyên nghiệp; Xây dựng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và các tổ chức thành viên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trở thành những tổ chức mạnh, có khả năng đảm nhận quản lý, tổ chức hầu hết các hoạt động bóng đá ở nước ta… |
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.