Gia tộc Hasemite cai trị quốc gia Jordan ngày nay từng là biểu tượng của thế giới Hồi giáo Ả Rập suốt 1.000 năm. Họ từng được phương Tây hứa trao cho lãnh thổ rộng lớn ở Trung Đông nhưng cuối cùng là nỗi cay đắng vì bị quay lưng.
Vua Abdullah II của Jordan hiện tại là hậu duệ đời thứ 41 của nhà tiên tri Muhammad. Ảnh: Insider.
Ít người biết rằng gia tộc Hashemite nắm quyền ở Jordan ngày nay từng cai quản thánh địa Mecca linh thiêng. Họ mang dòng máu nhà tiên tri Muhammad (người sáng lập đạo Hồi). Họ từng được phương Tây hứa về một vương quốc Ả Rập rộng lớn – nếu đứng lên chống lại đế chế Ottoman. Nhưng sau khi Ottoman sụp đổ, lời hứa ấy tan như cát gió sa mạc. Cuối cùng, chỉ còn một mảnh đất tên Jordan là chứng tích cho cả một giấc mộng lớn lao không thành.
Vị thế của gia tộc Hashemite trong thế giới Ả Rập
Đầu thế kỷ 20, đế chế Ottoman – từng là trụ cột của Hồi giáo suốt 4 thế kỷ – bắt đầu lung lay giữa những cơn bão của chiến tranh thế giới và chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy. Khắp vùng đất Ả Rập, những người từng cúi đầu trước quyền uy của Istanbul giờ đây bắt đầu thì thầm về độc lập. Nhưng trong cơn hỗn loạn đó, không ai có lý do mạnh mẽ hơn để đòi quyền dẫn dắt thế giới Hồi giáo Ả Rập như gia tộc Hashemite.
Họ không phải một bộ tộc bình thường. Gia tộc Hashemite – định cư lâu đời ở vùng Hejaz (miền tây Ả Rập Saudi ngày nay) – tự nhận mình là hậu duệ trực hệ của nhà tiên tri Muhammad, thông qua con gái Fatima và cháu ngoại Hasan ibn Ali của người sáng lập đạo Hồi. Trong thế giới Hồi giáo, đó là dòng máu thiêng liêng nhất, vượt trên mọi ngôi vua, mọi tước vị.
Kể từ thế kỷ thứ 10, các hậu duệ của Hasan thay nhau nắm giữ chức Sharif của Mecca – tức là người cai quản hai thánh địa Mecca và Medina. Chức vụ này không chỉ mang tính hành chính, mà là biểu tượng tôn giáo tối cao với hàng triệu người Hồi giáo hành hương mỗi năm. Trong gần 1.000 năm, bất kể ai lên ngôi tại Baghdad, Cairo hay Istanbul, các Sharif của gia tộc Hashemite vẫn giữ vững vị trí trung tâm này, được kính trọng như những “người canh giữ đức tin” giữa sa mạc.
Vương quốc Hồi giáo (Caliphate) do đế chế Ottoman thành lập từng là trụ cột của Hồi giáo suốt 4 thế kỷ.
Khi đế chế Ottoman vươn tay vào bán đảo Ả Rập vào thế kỷ 16, họ không trực tiếp kiểm soát Mecca, mà công nhận quyền cai trị của gia tộc Hashemite, đổi lại sự trung thành và lời cầu nguyện danh dự cho Sultan (hoàng đế Ottoman) trong mỗi buổi lễ. Đó là một mối quan hệ nhạy cảm: Ottoman là sức mạnh đế chế, Hashemite là uy tín tôn giáo.
Đến năm 1914, khi chiến tranh thế giới nổ ra và Ottoman chọn liên minh với Đức, cục diện thay đổi. Phong trào dân tộc Ả Rập trỗi dậy từ Cairo đến Damascus. Và tại Mecca, Sharif Hussein bin Ali, thủ lĩnh đương thời của Hashemite, hiểu rằng đây là khoảnh khắc lịch sử mà cả dòng tộc ông đã chờ đợi từ hàng thế kỷ.
Là người giữ thánh địa, hậu duệ của Tiên tri, và đứng giữa ngã ba chiến lược giữa Ottoman và Anh quốc, Hussein có trong tay cả biểu tượng, đất đai và cơ hội. Ông tin rằng, khi đế chế Hồi giáo sụp đổ, Hashemite sẽ là người có chính danh để kế vị, dẫn dắt thế giới Hồi giáo mới, xây dựng một nhà nước Ả Rập thống nhất – thậm chí là một Caliphate kế tục Ottoman.
Thời điểm đó, Trung Đông là một mảnh đất chưa định hình. Hầu hết khu vực từ thành phố Aleppo (Syria) đến Aden (Yemen) vẫn nằm dưới quyền cai trị của Ottoman, nhưng quyền kiểm soát thực tế đã suy yếu. Không có một quốc gia Ả Rập độc lập nào khi đó mà thay vào đó là các tỉnh hành chính Ottoman và một vài lãnh chúa bộ tộc cát cứ. Phương Tây – đặc biệt là Anh và Pháp – bắt đầu âm thầm thương lượng để phân chia quyền lợi, chuẩn bị vẽ lại bản đồ khu vực sau khi Thế chiến 1 kết thúc.
Trong khoảng trống đó, Hashemite là thế lực Ả Rập duy nhất vừa có căn cứ lãnh thổ, vừa có biểu tượng tinh thần Hồi giáo đủ mạnh, lại vừa có quan hệ đối thoại với phương Tây. Đó là lý do Hussein tin rằng thời khắc lịch sử đã đến – và nếu nắm bắt đúng, gia tộc của ông sẽ bước từ thánh địa Mecca đến ngai vàng của toàn cõi Ả Rập.
“Không chỉ là thánh địa, Mecca còn là nơi bắt đầu của một trật tự Hồi giáo mới – và chúng tôi được sinh ra để gánh vác điều đó”, một người thân cận với Sharif Hussein từng nói. (Nguồn: Robert Lacey, “The Kingdom”).
Liên minh với phương Tây chống Ottoman
Năm 1915, giữa lúc chiến tranh toàn cầu đang lan đến Trung Đông, Đế quốc Anh tiếp cận Sharif Hussein với một đề nghị chưa từng có. Trong hàng loạt bức thư trao đổi giữa Sharif Hussein và Henry McMahon, đại diện Vương quốc Anh tại Cairo, Anh hứa sẽ “ủng hộ hoàn toàn nền độc lập của người Ả Rập ở Trung Đông” nếu họ nổi dậy chống Ottoman.
“Chúng tôi sẽ công nhận và bảo vệ nền độc lập đó”, McMahon viết ngày 24/10/1915 – một cam kết dường như đầy trọng lượng từ một siêu cường toàn cầu khi đó.
Ngày 5/6/1916, Sharif Hussein phát động cuộc khởi nghĩa Ả Rập, huy động hàng chục nghìn chiến binh từ vùng Hejaz, phối hợp với quân đội Anh. Cuộc khởi nghĩa được hầu hết các bộ tộc Ả Rập ở Trung Đông ủng hộ, ngoại trừ nhà Al Saud (gia tộc cai trị Ả Rập Saudi ngày nay).
Lực lượng Ả Rập khởi đầu từ Mecca, đánh tới Damascus, giúp quân Anh dễ dàng kiểm soát lãnh thổ của đế chế Ottoman trong Thế chiến 1.
Cố vấn cho Sharif Hussein là sĩ quan Anh T.E. Lawrence, người sau này trở thành biểu tượng phương Tây về cuộc nổi dậy ở Trung Đông. Các đội quân Ả Rập tiến về Aqaba (nay thuộc Jordan), phá tuyến đường sắt Hejaz, rồi góp phần đánh bật quân Ottoman khỏi Damascus (Syria), Jerusalem, và Baghdad (Iraq).
“Không có cuộc khởi nghĩa Ả Rập do Sharif Hussein lãnh đạo, quân Anh sẽ phải mất gấp đôi thời gian và nhân lực để kiểm soát vùng đất Ottoman”, nhà sử học người Mỹ David Fromkin nhận định trong cuốn sách “Một hòa bình để kết thúc mọi hòa bình”, xuất bản năm 1989.
Lời hứa bị phương Tây xé bỏ
Nhưng trong khi Sharif Hussein chiến đấu với niềm tin vào một vương quốc Ả Rập thống nhất ở Trung Đông, Đế quốc Anh và Pháp đã âm thầm ký kết Thỏa thuận Sykes–Picot (1916) – bí mật phân chia Trung Đông theo lợi ích thuộc địa:
• Pháp kiểm soát Syria và Lebanon
• Anh kiểm soát Iraq, Palestine, Jordan
• Jerusalem được đặt dưới sự quản lý quốc tế
Sharif Hussein không hề biết về thỏa thuận bí mật này của Pháp và Anh. Thực tế là vào năm 1919, tại Hội nghị Hòa bình Versailles, nơi các bên ký kết thỏa thuận chấm dứt Thế chiến 1, giấc mơ về một “đế chế Ả Rập thống nhất” của Sharif Hussein chưa bao giờ được phương Tây đưa ra bàn thảo một cách nghiêm túc.
“Tôi đã đưa họ vào cuộc chiến vì một lời hứa, và rồi thấy lời hứa đó bị xé bỏ trong những căn phòng kín ở châu Âu”, T.E. Lawrence viết trong hồi ký mang tên “Seven Pillars of Wisdom”. Vào năm 1919, ông Lawrence đóng vai trò là cố vấn của Emir Faisal (con Sharif Hussein) – người đại diện cho phe Ả Rập tại hội nghị Versailles. Cá nhân ông muốn thúc đẩy việc công nhận quyền tự quyết cho người Ả Rập, sau nhiều năm hợp tác cùng họ.
Tham vọng thành lập Vương quốc Hồi giáo và sự sụp đổ từ Mecca
Phái đoàn do Emir Faisai (giữa) dẫn đầu tham gia đàm phán vào năm 1919. Ông Lawrence đứng phía sau, thứ ba từ phải sang.
Sự sụp đổ của Đế chế Ottoman dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ (đại diện Ottoman) bị phe Hiệp ước (phương Tây và một số quốc gia đồng minh) kiểm soát. Mãi đến năm 1923, Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ do Mustafa Kemal Ataturk lãnh đạo mới chính thức giành độc lập. Tháng 3/1924, Ataturk ra quyết định từ bỏ thẩm quyền của quốc gia đối với Vương quốc Hồi giáo (Caliphate) do đế chế Ottoman thành lập.
Đó là một sự kiện chấn động địa chính trị và tâm linh đối với người Hồi giáo khắp thế giới. Tận dụng khoảng trống quyền lực đó, Sharif Hussein tuyên bố thành lập Caliphate mới, đặt mục tiêu thống nhất thế giới Hồi giáo, ít nhất là ở Trung Đông.
Với vị thế là hậu duệ Muhammad và người trông coi thánh địa Mecca, ông tin rằng mình có đủ chính danh để đảm nhận vai trò này”. “Ta không cầu vinh quang cho bản thân, mà là trách nhiệm đối với tín đồ của Muhammad”, ông tuyên bố, trích nội dung theo cuốn sách “Lịch sử Ả Rập Saudi” của tác giả Madawi al-Rasheed.
Ở trung tâm bán đảo Ả Rập, nhà Al Saud từ đầu đã không tham gia nổi dậy chống lại Ottoman, nay cũng phản đối Vương quốc Hồi giáo mà Sharif Hussein thành lập.
Dưới danh nghĩa “thanh lọc tôn giáo”, lực lượng do Abdulaziz bin Abdul Rahman Al Saud (vị vua khai quốc của Ả Rập Saudi) lãnh đạo, tiến quân về phía tây.
Vương quốc Hồi giáo do Sharif Hussein thành lập chưa kịp ổn định, bị tấn công bất ngờ và rơi vào thế yếu. Sharif Hussein vội cầu cứu Anh nhưng bị làm ngơ.
Theo nhà sử học Fromkin: “London sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ cho Abdulaziz bin Abdul Rahman Al Saud kiểm soát bán đảo Ả Rập, miễn là ông ấy không thách thức trực tiếp lợi ích của Anh tại Iraq và vùng Vịnh”.
Kết quả là tháng 10/1924, đội quân của nhà Al Saud chiếm Mecca. Đến năm 1925, Medina cũng thất thủ. Không có viện binh, không có liên minh, Vương quốc Hồi giáo do Sharif Hussein lập ra sụp đổ chỉ sau chưa đầy hai năm.
Giấc mộng lãnh thổ của gia tộc Hasemite – kiểm soát phần lớn lãnh thổ bán đảo Ả Rập. Ảnh minh họa.
Gia tộc Hashemite buộc phải rời khỏi Mecca, nơi họ đã trông giữ gần 1.000 năm. “Ta không tiếc vì không còn ngai vàng, mà tiếc vì danh dự của lời hứa đã bị chà đạp”, Sharif Hussein nói trước khi qua đời vào năm 1931, theo tài liệu lưu trữ của chính phủ Anh.
Dấu ấn còn lại
Sau thế chiến 1, để xoa dịu đồng minh Ả Rập, con trai cả của Hussein là Faisal được Anh đưa lên làm vua Syria như một phần “bồi thường” vì siêu cường phương Tây đã không giữ lời hứa.
Nhưng theo hiệp ước Sykes–Picot, Syria là vùng ảnh hưởng của Pháp. Tháng 7/1920, quân Pháp đánh vào Damascus, lật đổ Faisal trong trận Maysalun. Gia tộc Hashemite lại bị đánh bật.
Anh lại dựng lên Vương quốc Iraq, giao cho Faisal cai trị. Em trai của Faisal là Abdullah bin Hussein được giao cai quản vùng Transjordan, sau trở thành Vương quốc Jordan. Dù độc lập sau này, cả hai vương quốc này ban đầu đều phụ thuộc sâu sắc vào Anh về an ninh và tài chính.
Ngày nay, vua Abdullah II, cháu nội của Abdullah bin Hussein, hiện đang trị vì Jordan và được xem là hậu duệ đời thứ 41 của nhà tiên tri Muhammad, tiếp nối một cách khiêm tốn nhưng liên tục di sản chính trị – tôn giáo của gia tộc Hashemite giữa một Trung Đông đầy biến động.
Tại Iraq, ba đời vua nhà Hashemite trị vì trong giai đoạn nhiều biến động. Đến ngày 14/7/1958, một cuộc đảo chính quân sự lật đổ chế độ. Vua Faisal II cùng hoàng gia bị xử bắn, chấm dứt Ảnh hưởng của gia tộc Hashemite ở Baghdad.
Giấc mơ lớn và thực tại nhỏ
Có thể nói, gia tộc Hashemite đã bước vào Thế chiến I với tất cả những gì một vương triều Hồi giáo có thể mơ tới: mối liên hệ với nhà tiên tri Muhammad, sự tín nhiệm của phương Tây, quyền cai trị thánh địa Mecca. Họ nổi dậy chống Ottoman với niềm tin vào một lời hứa – rằng họ sẽ được lãnh đạo một vương quốc Hồi giáo Ả Rập thống nhất.
Nhưng cuối cùng, lời hứa bị xé bỏ, thánh địa mất vào tay đối thủ, con cháu bị lật đổ hoặc lưu vong. Chỉ còn lại Jordan, một quốc gia nhỏ bé, nơi hậu duệ nhà tiên tri Muhammad vẫn đang nắm quyền, như một chứng tích cuối cùng của một giấc mộng lớn đã không bao giờ thành hiện thực.
“Chúng tôi từng được hứa cả một vương quốc thống nhất ở Trung Đông. Nhưng thứ còn lại là một vương quốc nhỏ và một ký ức lớn”, một cố vấn hoàng gia Jordan từng nói, theo báo Anh Guardian.
_______________________
Vào thời kỳ thế giới biến động sau Thế chiến 1, đế quốc Ottoman tan vỡ dẫn đến sự hình thành của hàng loạt quốc gia mới. Có một dân tộc với lịch sử không hề tầm thường, ngày nay có số dân vượt trội nhưng cuối cùng trở thành dân tộc lớn nhất thế giới không có quốc gia riêng. Mời độc giả đón đọc bài kỳ 3 xuất bản khoảng 11 giờ ngày 21/7 để hiểu rõ hơn về biến cố của dân tộc này.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.