Vụ rơi máy bay Ấn Độ khiến 260 người thiệt mạng: Kết quả điều tra ban đầu

Cục Điều tra Tai nạn Hàng không Ấn Độ vừa công bố báo cáo sơ bộ về vụ tai nạn xảy ra hồi tháng 6 đối với chuyến bay của hãng Air India, hé lộ nhiều tình tiết đáng chú ý.

Video: Máy bay chở 242 người rơi ở Ấn Độ ngày 12/6/2025. Nguồn

Theo bản báo cáo mà CNN có được ngày 12/7, hai công tắc điều khiển nhiên liệu trong buồng lái chiếc Boeing 787 Dreamliner của hãng Air India đã bị chuyển sang chế độ ngắt,  làm gián đoạn quá trình cung cấp nhiên liệu cho động cơ.

Các điều tra viên đã trích xuất dữ liệu từ hộp đen, bao gồm 49 giờ bay và hai giờ ghi âm trong buồng lái – trong đó có cả thời điểm xảy ra tai nạn.

Theo báo cáo, khi máy bay đạt vận tốc 333 km/h thì hai công tắc nhiên liệu lần lượt bị chuyển từ chế độ Run (hoạt động) sang Cutoff (ngắt nhiên liệu), cách nhau đúng một giây.

Trong đoạn ghi âm từ buồng lái, một phi công được nghe thấy hỏi người còn lại: “Tại sao anh lại ngắt nhiên liệu?”, người kia trả lời rằng anh ta không làm vậy.

Ngay sau đó, hai công tắc được gạt trở lại vị trí ban đầu, và động cơ bắt đầu quá trình khởi động lại, nhưng tai nạn đã xảy ra trước khi động cơ kịp hoạt động trở lại.

Công tắc ngắt nhiên liệu (phần khoanh đỏ) của một chiếc Boeing 787. Ảnh: Getty

Công tắc ngắt nhiên liệu (phần khoanh đỏ) của một chiếc Boeing 787. Ảnh: Getty

Trên dòng Boeing 787, công tắc ngắt nhiên liệu được đặt giữa hai ghế phi công, ngay phía sau cần ga điều khiển máy bay. Chúng được bảo vệ bằng thanh kim loại và có cơ chế khóa để ngăn việc vô tình bị kích hoạt ngắt nhiên liệu.

Hình ảnh từ sân bay cho thấy Ram Air Turbine – tua-bin gió khẩn cấp cấp điện cho máy bay khi mất điện – đã được kích hoạt trong lúc máy bay bắt đầu lấy độ cao sau khi cất cánh. Tuy nhiên, phi cơ nhanh chóng hạ độ cao trước khi vượt khỏi ranh giới sân bay.

Báo cáo cho biết: “Khi công tắc nhiên liệu được chuyển từ chế độ ngắt sang chế độ hoạt động trong lúc máy bay đang bay, hệ thống điều khiển động cơ đôi sẽ tự động khởi động lại và phục hồi lực đẩy bằng cách đánh lửa và cấp nhiên liệu”.

Chỉ vài giây sau khi động cơ cố gắng khởi động lại, một phi công phát tín hiệu khẩn cấp: “Cấp cứu, cấp cứu, cấp cứu”. Đài kiểm soát gọi lại theo mã hiệu máy bay nhưng không nhận được phản hồi, rồi chứng kiến phi cơ rơi cách đó không xa.

Ông David Soucie, chuyên gia phân tích an toàn của CNN, nhận định, các công tắc nhiên liệu này “được thiết kế để chỉ có thể chuyển đổi có chủ ý”. Ông nhấn mạnh các trường hợp cả hai công tắc nhiên liệu cùng bị ngắt một cách vô tình là “cực kỳ hiếm gặp”.

“Qua nhiều năm, những công tắc này đã được cải tiến để đảm bảo không thể vô tình bị chuyển đổi và không có cơ chế tự động. Chúng không thể tự di chuyển theo bất kỳ cách nào”, ông Soucie cho biết vào ngày 11/7.

Theo CNN, cơ trưởng chuyến bay là một người đàn ông 56 tuổi, có hơn 15.000 giờ bay trong sự nghiệp. Cơ phó là một nam phi công 32 tuổi, có hơn 3.400 giờ bay.

Các nhà điều tra cũng lưu ý các thiết lập trên thiết bị thu được từ hiện trường đều bình thường đối với giai đoạn cất cánh. Nhiên liệu trên máy bay được kiểm tra và xác định có chất lượng đạt yêu cầu, không có hiện tượng chim bay gần khu vực đường bay.

Trọng lượng cất cánh của máy bay nằm trong giới hạn cho phép, không có hàng nguy hiểm được vận chuyển. Các cánh tà được đặt ở vị trí 5 độ – phù hợp để cất cánh – và cần điều khiển càng đáp vẫn ở vị trí hạ.

Động cơ bên trái được lắp vào máy bay ngày 26/3, còn động cơ bên phải được lắp vào ngày 1/5, theo báo cáo.

Bộ phận hạ cánh của máy bay Ấn Độ được trông thấy tại hiện trường vụ rơi máy bay. Ảnh: Getty

Bộ phận hạ cánh của máy bay Ấn Độ được trông thấy tại hiện trường vụ rơi máy bay. Ảnh: Getty

Chuyến bay AI171 của Air India cất cánh từ sân bay quốc tế Sardar Vallabhbhai Patel ở bang Gujarat, miền tây Ấn Độ, ngày 12/6. Máy bay dự kiến hạ cánh tại sân bay London Gatwick (Anh) lúc 18h25 giờ địa phương.

Air India xác nhận có 242 người trên khoang, gồm hành khách và phi hành đoàn. Trong đó có 169 công dân Ấn Độ, 53 người Anh, 7 người Bồ Đào Nha và 1 người Canada. Chỉ duy nhất một hành khách sống sót.

Ngoài số người thiệt mạng trên máy bay, còn có nhiều nạn nhân dưới mặt đất khi máy bay rơi trúng khu ký túc xá của một trường y.

Theo báo cáo của giới chức Ấn Độ, tổng số người thiệt mạng là 260 người. Một phần trong số đó là những người trong khu ký túc xá bị máy bay đâm trúng.

Hãng Air India cho biết đã nhận được báo cáo và sẽ tiếp tục hợp tác với giới chức trong quá trình điều tra.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.