Nga đưa ra đề nghị “khó từ chối” với Ấn Độ: Giao ngay Su-35, hỗ trợ sản xuất Su-57E

Tập đoàn quốc phòng Nga Rostec mới đây đã đưa ra đề xuất kép với Ấn Độ, bao gồm việc chuyển giao nhanh máy bay chiến đấu Su-35 và hỗ trợ Ấn Độ sản xuất tiêm kích tàng hình Su-57E ngay trong nước.

Tiêm kích Su-57 xuất hiện tại triển lãm hàng không ở Ấn Độ vào tháng 2/2025. Ảnh: Getty Images.

Tiêm kích Su-57 xuất hiện tại triển lãm hàng không ở Ấn Độ vào tháng 2/2025. Ảnh: Getty Images.

Đáp ứng nhu cầu cấp bách của Không quân Ấn Độ

Theo Defence-blog, đề xuất từ Rostec và hãng sản xuất máy bay Sukhoi nhấn mạnh khả năng giao ngay tiêm kích Su-35 để giúp Không quân Ấn Độ (IAF) lấp khoảng trống lực lượng ngày càng lớn. Với việc Ấn Độ ngừng biên chế MiG-27 và phần lớn phi đội MiG-21, số lượng phi đội chiến đấu cơ của IAF đã giảm xuống còn 31, thấp hơn nhiều so với mức tiêu chuẩn là 42. Các nguồn tin cho biết Nga cam kết có thể cung cấp hai phi đội Su-35 (tức 36–40 chiếc) trong vòng 2–3 năm tới.

Rostec đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Su-30MKI trong chiến dịch Sindoor hồi tháng 5/2025, khi loại máy bay này đảm nhiệm yểm trợ đường không và phóng tên lửa BrahMos vào các căn cứ không quân Pakistan. Rostec cũng nói rằng Ấn Độ có thể sử dụng hạ tầng và dây chuyền sửa chữa, bảo trì chiến đấu cơ Su-30MKI cho Su-35 vì sự tương đồng lên tới 70 – 80%, giúp tiết kiệm chi phí.

Su-35 hiện bị đánh giá hạn chế về cảm biến và vũ khí tầm xa, yếu hơn so với MiG-31BM trong các nhiệm vụ không chiến ngoài tầm nhìn bằng mắt thường. Nga được cho là đang nghiên cứu tích hợp radar AESA N036 – vốn trang bị cho Su-57 – lên Su-35 để tăng sức cạnh tranh xuất khẩu, nhưng thông tin này chưa được xác nhận chính thức.

Hỗ trợ Ấn Độ tự sản xuất Su-57E

Chiến đấu cơ Su-35 của Nga có thể là giải pháp giúp Ấn Độ nhanh chóng tăng cường năng lực chiến đấu. Ảnh: Military Watch.

Chiến đấu cơ Su-35 của Nga có thể là giải pháp giúp Ấn Độ nhanh chóng tăng cường năng lực chiến đấu. Ảnh: Military Watch.

Đề xuất đáng chú ý nhất của Nga là chuyển giao công nghệ và mã nguồn tiêm kích Su-57E, giúp Ấn Độ nội địa hóa sản xuất ở mức 40 – 60%. Dây chuyền sản xuất có thể được đặt tại cơ sở của Hindustan Aeronautics Limited (HAL) ở Nashik, nơi từng sản xuất hơn 220 chiếc Su-30MKI. Đề xuất của Nga phù hợp với chiến lược “Make in India” và chương trình “Aatmanirbhar Bharat” (Ấn Độ tự cường) mà chính phủ nước này đang thúc đẩy.

Mức độ nội địa hóa cao giúp Ấn Độ dễ dàng tích hợp các vũ khí do nước này tự phát triển như tên lửa không đối không Astra, tên lửa chống radar Rudram và radar AESA Virupaksha.

Nga cũng đề xuất chuyển giao công nghệ động cơ, hệ thống tàng hình và thiết bị điện tử để hỗ trợ dự án máy bay chiến đấu nội địa AMCA (Advanced Medium Combat Aircraft) của Ấn Độ.

Động cơ cải tiến

Cả chiến đấu cơ Su-35 và tiêm kích Su-57E đều sử dụng động cơ phản lực AL-41F1S (Izdeliye 117S), với lực đẩy 142 kN và khả năng điều hướng vector lực đẩy giúp máy bay đạt độ cơ động cao. Tuy nhiên, phía Ấn Độ được cho là đang quan tâm nhiều hơn đến động cơ Izdeliye 177S – biến thể tiên tiến hơn, có vòi phun răng cưa giúp giảm tín hiệu radar và hồng ngoại. Động cơ này từng ra mắt tại Triển lãm Hàng không Chu Hải 2024, có tuổi thọ 6.000 giờ – gấp ba lần loại tiền nhiệm – nhưng chưa được bay thử.

Nga cho biết nếu có đơn hàng từ nước ngoài, đặc biệt là Ấn Độ, việc triển khai dòng động cơ mới này cho các chiến đấu cơ có thể được đẩy nhanh.

Cân nhắc từ phía Ấn Độ

Dù Nga đưa ra đề xuất “khó từ chối”, Ấn Độ được cho là vẫn đang cân nhắc. 

Nga có thể giúp Ấn Độ sản xuất nội địa tiêm kích Su-57E, tương tự như dòng máy bay Su-30MKI. Ảnh: Military Watch. 

Nga có thể giúp Ấn Độ sản xuất nội địa tiêm kích Su-57E, tương tự như dòng máy bay Su-30MKI. Ảnh: Military Watch. 

Theo đánh giá từ một số chuyên gia quốc phòng, đề xuất của Nga có thể giúp Ấn Độ giải bài toán hai mục tiêu cùng lúc: sử dụng Su-35 để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn và triển khai Su-57E như một hướng đi dài hạn trong hiện đại hóa không quân.

Sau cuộc đụng độ ngắn với Pakistan, các chiến đấu cơ Rafale mà Ấn Độ mua của Pháp được cho là gây thất vọng vì thiếu đồng bộ với các khí tài hiện có. Đề xuất của Nga giúp Ấn Độ tự chủ cao hơn trong sản xuất máy bay, tích hợp vũ khí nội địa và nâng cao khả năng tác chiến.

Dù vậy, Ấn Độ từng hoài nghi về năng lực tàng hình thực sự của tiêm kích Su-57E, cũng như nguy cơ nước này bị Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt theo đạo luật CAATSA nếu tiếp tục mua khí tài Nga.

Các vấn đề chuỗi cung ứng linh kiện và bảo trì Su-30MKI trong thời kỳ Nga bị trừng phạt từ năm 2014 cũng là yếu tố khiến New Delhi thận trọng. Theo Jane’s Defence Weekly, có thời điểm tới 40% số máy bay Su-30MKI của Ấn Độ không thể cất cánh vì thiếu phụ tùng.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.