Thế giới 24h: Hé lộ mục tiêu Nga nhắm tới khi tập kích Ukraine với 322 UAV

Quân đội Nga ngày 5/7 đã sử dụng 322 UAV tập kích Ukraine, trong đó đợt tấn công chính nhằm vào trung tâm quân sự trọng yếu ở thành phố Starokostiantyniv, vùng Khmelnytskyi ở miền tây Ukraine.

Ảnh minh họa UAV tầm xa Shahed/Geran-2 được Nga sử dụng trong xung đột ở Ukraine. Nguồn: Kyiv Post.

Ảnh minh họa UAV tầm xa Shahed/Geran-2 được Nga sử dụng trong xung đột ở Ukraine. Nguồn: Kyiv Post.

Nga tập kích trung tâm quân sự quan trọng của Ukraine

Theo tờ Kyiv Post, phía Nga được cho là đã sử dụng đồng thời UAV tấn công và UAV nghi binh, xuất phát từ 6 hướng gồm Bryansk, Kursk, Oryol, Millerovo, Primorsko-Akhtarsk và Shatalovo – tất cả đều nằm trong lãnh thổ Nga. Để đối phó, lực lượng phòng không Ukraine đã huy động tiêm kích, đơn vị tên lửa phòng không, nhóm chiến đấu cơ động, đơn vị điều khiển UAV và hệ thống tác chiến điện tử.

Quân đội Ukraine cho biết họ đã vô hiệu hóa 292 UAV, trong đó 157 bị bắn hạ và 135 bị gây nhiễu hoặc mất liên lạc do hệ thống điện tử.

Phía Nga từ trước đề cập việc Ukraine không xác định đúng số lượng UAV và tên lửa sử dụng trong các đợt tập kích, do không phải tất cả mục tiêu xuất hiện trên màn hình radar phòng không đều là thật.

Mục tiêu chính của đợt tấn công được xác định là thành phố Starokostiantyniv – một trung tâm quân sự trọng yếu, nơi đặt căn cứ không quân lớn từng đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch của Ukraine. Trong suốt cuộc xung đột, căn cứ này được cho là nơi triển khai phi đội tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất.

Trước đây, căn cứ từng là nơi đóng quân của Lữ đoàn Hàng không Chiến thuật số 7 của Ukraine, chuyên vận hành các loại máy bay như Su-24M. Hồi tháng 9/2023, các oanh tạc cơ Su-24 xuất phát từ đây được cho là đã sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh và SCALP của Pháp để tấn công các mục tiêu của Nga, trong đó có tàu đổ bộ, tàu ngầm tên lửa và trụ sở Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol.

Ông Trump nói Nga biết cách xử lý các lệnh trừng phạt

Trả lời báo chí trên chuyên cơ Air Force One hôm 5/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói Tổng thống Nga Vladimir Putin là “một người chuyên nghiệp” và “đã biết cách đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây”.

“Ông ấy có thể không thích điều đó, nhưng thực tế là ông ấy đã biết cách xử lý các lệnh trừng phạt, dù đây là những biện pháp khá nặng”, ông Trump nói, đồng thời cảnh báo rằng Mỹ có thể áp dụng thêm các biện pháp nếu xung đột tại Ukraine không được giải quyết. “Ông ấy biết rất rõ điều đó. Có thể điều đó sẽ đến”, ông Trump nói thêm.

Theo trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov, cuộc điện đàm kéo dài một giờ giữa hai nhà lãnh đạo đã đề cập đến xung đột Ukraine, tình hình căng thẳng tại Trung Đông và quan hệ hợp tác Nga – Mỹ.

Ông Ushakov cho biết ông Trump đã kêu gọi hai bên sớm chấm dứt chiến sự, song phía Moscow tái khẳng định không thay đổi mục tiêu và vẫn tìm kiếm một giải pháp chính trị nhằm giải quyết các nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột. Sau đó, ông Trump bày tỏ sự “thất vọng” vì tiến trình hòa bình chưa đạt được bước tiến nào đáng kể.

Nga lên tiếng về việc xuất khẩu khí đốt sang châu Âu đột giảm mạnh

Theo số liệu do Reuters mới công bố, lượng khí đốt Nga xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 6/2025 đã giảm 18,3% so với tháng trước đó, nguyên nhân được cho là do các hoạt động bảo trì hệ thống bơm khí, theo RT.

Hiện tuyến đường duy nhất để khí đốt Nga đến châu Âu là qua đường ống TurkStream qua Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực Nam Âu. Tuyến này vẫn hoạt động sau khi Ukraine đơn phương chấm dứt trung chuyển khí đốt vào cuối năm ngoái.

Cụ thể, lượng khí vận chuyển qua TurkStream trong tháng 6 chỉ đạt 37,6 triệu m³/ngày, giảm so với mức 46 triệu m³/ngày của tháng 5. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2025, tổng lượng khí đốt qua tuyến này đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 7,8 tỷ m³.

Tổng lượng khí đốt Nga xuất sang EU trong 6 tháng đầu năm 2025 (bao gồm qua đường ống và khí tự nhiên hóa lỏng – LNG) chỉ đạt 8,33 tỷ m³, giảm 47% so với mức 15,5 tỷ m³ cùng kỳ năm 2024.

Nga từng là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của EU, nhưng xuất khẩu giảm mạnh từ năm 2022 sau các lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột Ukraine và sự cố đường ống Nord Stream. Thị phần khí đốt Nga ở EU đã giảm từ hơn 40% năm 2021 xuống chỉ còn khoảng 11% vào năm 2024.

Dù EU không cấm hoàn toàn khí đốt Nga, phần lớn các nước thành viên đã tự nguyện cắt giảm nhập khẩu. Tuy vậy, một số quốc gia không giáp biển như Hungary, Slovakia, Áo, CH Czech và Serbia (ngoài EU) vẫn tiếp tục sử dụng lượng khí đốt Nga hạn chế thông qua các cơ chế miễn trừ đặc biệt.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.