Giới chức Kiev không được báo trước về quyết định ngừng cung cấp vũ khí của Washington và đang cố gắng sắp xếp cuộc điện đàm giữa Tổng thống Ukraine Zelensky với Tổng thống Mỹ Donald Trump để làm rõ tình hình.
Ông Zelensky mong muốn Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine (ảnh: Getty)
Ông Zelensky chuẩn bị điện đàm với ông Trump
Phát biểu hôm 3/7, ông Zelensky xác nhận kế hoạch điện đàm với ông Trump và cho biết Ukraine trông cậy vào sự hỗ trợ liên tục từ Mỹ.
“Tôi hy vọng rằng ngày mai hoặc trong vài ngày tới, tôi có thể nói chuyện với Tổng thống Trump”, ông Zelensky nói.
Trả lời về vấn đề Mỹ dừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, ông Zelensky nói: “Chúng tôi trông đợi vào sự hỗ trợ liên tục của Mỹ, và có một số thiết bị mà châu Âu không có”.
“Điều này rất quan trọng”, ông Zelensky nói thêm.
Theo Guardian, ông Zelensky đang ám chỉ đến tên lửa dành cho các hệ thống phòng không Patriot.
Bình luận về cuộc điện đàm hôm 3/7 giữa ông Trump với Tổng thống Nga Putin, ông Zelensky cho rằng, hai nhà lãnh đạo “không có nhiều chủ đề chung để trò chuyện”.
Kyiv Post hôm 3/7 dẫn nguồn tin từ giới chức Ukraine và châu Âu cho hay, cuộc điện đàm giữa ông Zelensky với ông Trump đang được “gấp rút” chuẩn bị.
Cuộc gọi được lên kế hoạch nhằm giải quyết việc Mỹ đột ngột dừng cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Politico (báo Mỹ) dẫn lời một nhà ngoại giao châu Âu (giấu tên) đưa tin, cuộc điện đàm được lên lịch “rất sớm”.
“Hôm nay (3/7), Mỹ đã thông báo cho Ukraine về quyết định (dừng cung cấp vũ khí) và một cuộc điện đàm giữa ông Zelensky và ông Trump sẽ sớm được sắp xếp”, nhà ngoại giao nói.
“Giới chức Mỹ nói rằng đây không phải tạm dừng, cũng không phải đình chỉ. Mỹ đang trong quá trình tìm ra cách tốt nhất để hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Đây vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu”, nhà ngoại giao nói thêm.
Financial Times (báo Anh) hôm 3/7 đưa tin, cuộc điện đàm giữa 2 nhà lãnh đạo có thể diễn ra vào ngày 4/7.
Theo Reuters, Mỹ đã dừng gửi tên lửa phòng không, bom dẫn đường và đạn pháo, bao gồm cả đạn phòng không cho hệ thống Patriot – những loại vũ khí mà Ukraine rất cần trong bối cảnh quân đội Nga đẩy mạnh tấn công.
Bình luận về vấn đề viện trợ quân sự cho Ukraine, ông Sean Parnell – phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ – hôm 3/7 cho biết:
“Bộ Quốc phòng đang xem xét và điều chỉnh cách tiếp cận của mình để đạt được mục tiêu (chấm dứt xung đột ở Ukraine), đồng thời vẫn duy trì khả năng sẵn sàng của quân đội và hỗ trợ cho chương trình nghị sự nước Mỹ trên hết của Tổng thống”.
Đại tá Ukraine nghi làm gián điệp cho Nga
Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) hôm 3/7 thông báo, một đại tá không quân (giấu tên) đã bị bắt giữ với cáo buộc hợp tác với tình báo Nga.
Đại tá không quân Ukraine bị bắt giữ (ảnh: Kyiv Post)
“Trong chiến dịch đặc biệt ở vùng Lviv, một đại tá không quân đã bị bắt giữ vì làm điệp viên cho Nga”, SBU thông báo.
Theo SBU, nghi phạm được tình báo Nga tuyển dụng thông qua vợ cũ – người là cựu quân nhân và đang sống ở khu vực do quân đội Nga kiểm soát ở Zaporizhia.
Alexander Belodedov – đặc vụ thuộc đơn vị “Alpha” của Cơ quan An ninh Nga (FSB) – được cho là người liên lạc và chỉ đạo đại tá không quân Ukraine.
Nhiệm vụ chính của nghi phạm là thu thập và cung cấp thông tin về “tọa độ sân bay, trung tâm hậu cần, trung tâm bảo dưỡng máy bay chiến đấu của lực lượng Ukraine”, SBU cho hay.
“Nếu nhận được thông tin phù hợp, đối phương có thể phóng tên lửa tấn công”, SBU thông báo, lưu ý rằng nghi phạm đã bị bắt giữ trước khi kịp chuyển thông tin cho tình báo Nga.
Với các cáo buộc nêu trên, đại tá không quân Ukraine có thể đối mặt với án tù chung thân và tịch thu tài sản, theo SBU.
Giới chức Nga chưa bình luận về thông tin này.
Ông Biden phát tín hiệu muốn trở lại?
Cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, các lãnh đạo nước ngoài đã kêu gọi ông tái tham gia vào các vấn đề toàn cầu, mặc dù ông đã nghỉ hưu.
Phát biểu tại hội nghị của Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực (SHRM) ở San Diego (Mỹ) hôm 2/7, ông Biden, 82 tuổi, nói:
“Tôi nhận được nhiều cuộc gọi – tôi sẽ không tiết lộ chi tiết – từ một số nhà lãnh đạo châu Âu mong muốn tôi quay trở lại”.
Cựu tổng thống Mỹ cho biết, ông đã từ chối những lời đề nghị “vì mọi thứ bây giờ đã khác”.
Trong bài phát biểu, ông Biden cho biết, ông vẫn giữ liên lạc với các nghị sĩ của cả 2 đảng (Cộng hòa và Dân chủ).
“Tôi nhận được nhiều cuộc gọi từ các đồng nghiệp của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Họ muốn trò chuyện và trao đổi ý kiến với tôi”, ông Biden nói, lưu ý rằng ông vẫn tham gia các cuộc thảo luận chính trị vì “tôi thực sự quan tâm đến những công việc mình từng làm”.
Về việc các chính sách dưới thời của ông bị đảo ngược, Joe Biden bày tỏ thất vọng (dù tránh nhắc tên Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump): “Nhiều điều mà tôi đã làm việc rất chăm chỉ để phục vụ đất nước này đang bị thay đổi quá nhanh”.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.