Châu Âu ngỡ ngàng khi Mỹ dừng chuyển vũ khí cho Ukraine

Quyết định bất ngờ của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tạm dừng chuyển giao nhiều loại vũ khí then chốt cho Ukraine đã khiến các nước châu Âu rơi vào thế bị động, theo nguồn tin của Bloomberg ngày 2/7.

Mỹ đã tạm dừng chuyển tên lửa và đạn dược cho Ukraine để đánh giá lại kho dự trữ quân sự quốc gia. Ảnh: Reuters.

Mỹ đã tạm dừng chuyển tên lửa và đạn dược cho Ukraine để đánh giá lại kho dự trữ quân sự quốc gia. Ảnh: Reuters.

Lệnh tạm dừng ảnh hưởng đến nhiều hệ thống vũ khí quan trọng đối với phòng thủ của Ukraine, bao gồm tên lửa phòng không Patriot, đạn pháo dẫn đường chính xác, tên lửa Hellfire và đạn tên lửa dành cho tiêm kích F-16.

Nhà Trắng xác nhận việc tạm hoãn, mô tả đây là một phần trong quá trình đánh giá lại kho dự trữ quân sự quốc gia. Kể từ khi ông Trump nhậm chức hồi tháng 1, Mỹ chưa phê duyệt thêm bất kỳ gói viện trợ quân sự mới nào cho Kiev. Các vũ khí được Mỹ chuyển cho Ukraine từ tháng 1 đều được phê duyệt từ thời người tiền nhiệm Joe Biden.

Bloomberg dẫn lời các quan chức châu Âu cho biết họ hoàn toàn bất ngờ trước quyết định của Washington, đặc biệt trong bối cảnh ông Trump gần đây có những phát ngôn tại hội nghị NATO khiến nhiều đồng minh lo ngại. Các cuộc thảo luận nội bộ đang diễn ra, và một số nước vẫn hy vọng lập trường của Mỹ có thể được điều chỉnh hoặc đảo ngược. Một quan chức giấu tên nói, hiện châu Âu đang tích cực bàn bạc cách ứng phó khi vai trò hỗ trợ của Mỹ giảm dần.

Trong khi một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã gia tăng các chuyến hàng viện trợ, trong đó có hai triệu viên đạn cam kết chuyển tới Ukraine trong năm nay, thì phía Kiev cho rằng nỗ lực này vẫn chưa đủ nhanh. Cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, phát biểu trên một kênh truyền hình trong nước rằng việc mở rộng sản xuất quốc phòng ở châu Âu đang diễn ra “chậm chạp”.

Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết các quan chức hai nước đang phối hợp xử lý vấn đề nhận viện trợ, đặc biệt xoay quanh nhu cầu phòng không cấp thiết. Bộ Quốc phòng Ukraine nói chưa nhận được thông báo chính thức nào từ Mỹ về việc trì hoãn hay hủy viện trợ, nhưng đã liên lạc với Lầu Năm Góc để làm rõ.

Bộ Ngoại giao Ukraine cũng triệu tập đại biện lâm thời Mỹ tại Kiev, ông John Ginkel, và cảnh báo “bất kỳ sự do dự nào” trong viện trợ quân sự đều có nguy cơ khuyến khích các hành động quân sự tiếp theo từ phía Nga.

Trong khi đó, phía Moscow bày tỏ hoan nghênh quyết định của Mỹ. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố: “Càng ít vũ khí được cung cấp cho Ukraine, thì ngày kết thúc xung đột sẽ càng đến gần hơn”.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte hôm 2/7 nói ông hiểu mong muốn của Washington trong việc bảo vệ kho dự trữ quân sự, song nhấn mạnh: “Ukraine không thể thiếu tất cả những sự hỗ trợ mà họ cần”.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.