Sau cuộc xung đột Iran – Israel kéo dài 12 ngày, năng lực phòng không gây thất vọng của Iran trở thành tâm điểm chú ý. Một làn sóng chỉ trích nổi lên trong nội bộ quốc gia, cho rằng việc Nga từ chối cung cấp hệ thống phòng không tầm xa S-400 khiến Iran chịu lép vế trước các đối thủ.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Military Watch.
Theo tạp chí Military Watch của Mỹ, nguyên nhân thực sự không nằm ở phía Nga mà chủ yếu xuất phát từ chính nội bộ Iran.
Nga có thực sự từ chối bán S-400 cho Iran?
Có luồng ý kiến ở Iran gần đây cho rằng Nga có thái độ thiên vị khi sẵn sàng cung cấp hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ và từng đề nghị bán hệ thống này cho Ả Rập Saudi, nhưng lại lưỡng lự hoặc từ chối bán cho Iran. Cựu Phó Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Motahari là người chỉ trích mạnh mẽ nhất. Ông Motahari đề cập việc Iran cung cấp cho Nga công nghệ máy bay không người lái (UAV) Shahed để sử dụng trong xung đột ở Ukraine, nhưng những gì Tehran nhận lại là “không tương xứng”.
“Nga từ chối bán hệ thống S-400 và chậm trễ chuyển giao thêm tiêm kích Su-35 cho Iran, bất chấp việc chúng ta đã hỗ trợ họ về công nghệ máy bay không người lái. Điều đó cho thấy Nga không hề có thiện chí giúp đỡ”. ông Motahari viết trên mạng xã hội X gần đây.
Trên thực tế, từ năm 2019, nhiều nguồn tin chính thức của Nga từng khẳng định nước này sẵn sàng bán hệ thống S-400 cho Iran nếu có yêu cầu. Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani khi đó từng bày tỏ sự quan tâm tới các hệ thống phòng không tiên tiến. Tuy nhiên, phía Nga cho biết Iran chưa từng gửi yêu cầu hỏi mua chính thức, vì vậy không có giao dịch nào được tiến hành.
Đáng chú ý, sau vụ ám sát Tướng Qasem Soleimani năm 2020, nhiều nghị sĩ Nga kêu gọi khẩn cấp ký thỏa thuận quân sự với Iran, trong đó có cả việc cung cấp S-400, thậm chí là S-500 – hệ thống phòng không thế hệ mới. Trước đó, Iran đã mua radar cảnh giới tầm xa Rezonans-NE từ Nga, cho thấy Moscow không “phớt lờ” đồng minh Trung Đông này.
Một số nguồn tin từ Iran còn đề cập việc Nga không muốn cung cấp hệ thống S-400 để tránh làm gia tăng căng thẳng với Israel. Trên thực tế, Nga vẫn bán hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2019, dù Ankara và Tel Aviv luôn có mối quan hệ căng thẳng liên quan chính sách của Israel với cộng đồng người Palestine. Trong thương vụ này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng vấp phải sự chỉ trích của Mỹ khi mua hệ thống phòng không Nga.
Ưu tiên hệ thống phòng không trong nước
Tiêm kích tàng hình F-35I của Israel. Ảnh: Military Watch.
Theo tạp chí Military Watch, nguyên nhân sâu xa khiến hệ thống S-400 không xuất hiện trong biên chế quân đội Iran xuất phát từ chính sách tự cường quốc phòng của nước này. Kể từ khi bị phương Tây áp đặt cấm vận, Iran đã đầu tư mạnh vào phát triển công nghệ quốc phòng trong nước. Nổi bật trong lĩnh vực phòng không là hệ thống Bavar-373 – được truyền thông trong nước ví như “S-300 phiên bản Iran”.
Tháng 3/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Iran khi đó là Mohammad Reza Ashtiani từng tuyên bố Tehran “không cần mua S-400” vì đã tự chủ hoàn toàn trong lĩnh vực này. Thực tế, Bavar-373 chính là hệ thống chủ lực được triển khai trong cuộc chiến với Israel hồi tháng 6. Theo truyền thông Iran, hệ thống này đã bắn hạ 3 tiêm kích tàng hình F-35 dù thông tin này không được phía Israel xác nhận.
Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của Bavar-373 vẫn là điều gây tranh cãi. Dù được ca ngợi, hệ thống này không thể ngăn chặn hoàn toàn đòn tấn công dồn dập của Israel, trong đó có nhiều máy bay bay sâu vào nội địa. Giới chuyên gia đặt câu hỏi: liệu nếu có S-400 trong tay, Iran có thể phòng thủ tốt hơn hay không?
Mâu thuẫn nội bộ?
Hệ thống phòng không Bavar 373 do Iran tự phát triển. Ảnh: Military Watch.
Chiến dịch không kích của Israel không chỉ làm lộ ra lỗ hổng trong hệ thống phòng không Iran, mà còn được cho là khoét sâu những mâu thuẫn giữa IRGC và chính phủ dân sự. IRGC là lực lượng kiểm soát phần lớn năng lực phòng không của Iran, và là đơn vị đặt trọng tâm vào phát triển vũ khí nội địa. Trong khi đó, chính phủ dân sự dưới quyền Tổng thống Masoud Pezeshkian lại bị chỉ trích là không đủ khả năng hoặc không quyết đoán trong việc tìm kiếm hệ thống phòng không tiên tiến thông qua con đường ngoại giao.
Làn sóng chỉ trích mới, tiêu biểu là từ ông Ali Motahari, không chỉ nhằm vào Nga, mà còn ngầm chất vấn vai trò của IRGC. Nhiều nghị sĩ cho rằng việc IRGC quá đề cao hệ thống nội địa đã khiến Iran không thể tiếp cận các công nghệ tiên tiến hơn và phải trả giá khi đối mặt với đối thủ mạnh như Israel.
Trong khi đó, một bộ phận khác cho rằng chính phủ Iran cũng có phần trách nhiệm khi không thúc ép Nga hoặc các đối tác khác để đảm bảo năng lực phòng thủ quốc gia. Một số ý kiến thậm chí đề xuất nên tìm tới Trung Quốc – quốc gia có thể cung cấp hệ thống HQ-9 có tính năng tương đương với S-300/S-400.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.